• :
  • :

Biên chế tinh và mạnh

Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tương đối quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tinh giản biên chế vẫn là bài toán hóc búa với nhiều ngành, nhiều địa phương.

Trên thực tế, đa phần những đối tượng ra khỏi biên chế là người đến tuổi nghỉ hưu và người chủ động xin chuyển công tác mà chưa thể tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy. Ở nơi này, nơi kia, tinh giản biên chế vẫn mang tính cơ học, cào bằng, dẫn đến nơi thừa vẫn thừa và thiếu biên chế cục bộ ở một số lĩnh vực, địa phương... 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Việc tinh giản biên chế tiết kiệm được 25.600 tỷ đồng, dành cho cải cách tiền lương. Ảnh: VGP 

Một vấn đề đáng quan tâm đang diễn ra ở một số ngành, địa phương đó là xu hướng “tự tinh giản”. Trong khi nhiều nơi gặp khó, vướng để tinh giản những người cần phải đưa ra khỏi bộ máy thì một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc nhà nước và dịch chuyển sang khu vực tư. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ tháng 1-2020 đến hết tháng 6-2022, số cán bộ, công chức, viên chức thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế. Trong đó, khoảng 50% số người thôi việc có trình độ đại học, gần 4.700 tiến sĩ, thạc sĩ...

Từ thống kê trên thấy rằng, nhân lực chất lượng cao dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư không còn là hiện tượng đơn lẻ. Trước đây, công chức nhà nước là vị trí mà nhiều người mơ ước, thậm chí là tiêu chí, tiêu chuẩn, là định hướng của nhiều gia đình cho con em mình. Còn hiện nay, xu hướng lựa chọn việc làm dựa trên mức thu nhập, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc. Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc nhà nước, nghĩa là họ đã chấp nhận bước ra khỏi “vùng an toàn” để tìm kiếm cơ hội việc làm mới với mức lương cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn.

Thời gian qua, mặc dù tinh giản biên chế phần nào đạt được mục tiêu, chỉ tiêu nhưng về chất lượng, hiệu quả sau tinh giản vẫn chưa như kỳ vọng. Rõ ràng, việc tinh giản biên chế theo cách cơ học thì khó bảo đảm được yêu cầu cơ cấu lại chất lượng đội ngũ cán bộ và biên chế giảm, nhưng chưa tinh, chưa mạnh là điều khó tránh khỏi.

Để biên chế tinh giản, bộ máy tinh gọn, gắn với cơ cấu lại chất lượng đội ngũ cán bộ thì phải làm tốt ngay từ khâu đánh giá, nhận xét cán bộ. Đây là phần việc hệ trọng, liên quan và động chạm đến lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức nên phải thật sự nghiêm túc, khách quan, dân chủ, trên tinh thần không nể nang, không cào bằng, đặc biệt là "không ê-kíp" để đánh giá đúng, thực chất tài-đức của cán bộ. Đây cũng là biện pháp quan trọng, vừa giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương từ chủ trương tinh giản, vừa tinh giản đúng người, tinh gọn đúng vị trí việc làm và đầu mối công việc.

Bên cạnh đó, để sớm hóa giải xu hướng “tự tinh giản”, giữ chân người tài và thu hút nhân tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước, ngoài vấn đề cải cách tiền lương thì từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng được môi trường làm việc văn minh, chuẩn mực văn hóa công sở. Với những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực tốt, trình độ chuyên môn cao, có khả năng tạo ra sự phát triển đột phá cho cơ quan, đơn vị cần phải tạo điều kiện thuận lợi để họ được cống hiến tài năng, trí tuệ. Bởi vậy, phải tạo được động lực phấn đấu cho cán bộ, công chức, viên chức, có cơ chế đãi ngộ xứng đáng.

MINH MẠNH

Tags: biên chế
Lượt xem: 22
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết