• :
  • :

Chống độc quyền khi Nhà nước định giá sách giáo khoa

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV là bổ sung sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Việc bổ sung SGK vào danh mục này theo đề nghị của Chính phủ do đây là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo hình thức định giá tối đa (giá trần), trên cơ sở đó, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể, bảo đảm không vượt quá giá trần.

Quang cảnh kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: nhandan.vn.

Thảo luận về quy định này của dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK. Vì vậy, việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cần tránh ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thực hiện chủ trương này. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy lấy ví dụ từ SGK môn tiếng Anh hiện có giá cao hơn các môn học khác vì được mua bản quyền từ nước ngoài và điều chỉnh nội dung cho phù hợp với học sinh Việt Nam. Đại biểu lo ngại nếu định giá sách quá rẻ, các nhà xuất bản sẽ không tiếp tục mua bản quyền và biên soạn sách tiếng Anh nữa, chỉ còn lại số ít bộ SGK, có thể dẫn đến độc quyền về mặt hàng này. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, để vừa quản lý được mặt hàng SGK vừa khuyến khích xã hội hóa công tác biên soạn sách, có thể thực hiện phương án Nhà nước định giá với SGK do đơn vị của Nhà nước biên soạn, xuất bản; còn với đơn vị tư nhân sẽ thực hiện kê khai giá. Trường hợp vẫn đưa SGK vào danh mục Nhà nước định giá cần quy định thêm giá tối thiểu bên cạnh giá tối đa để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xuất bản.

SGK là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng rộng đến hầu hết gia đình, do vậy, cần thiết phải tăng cường quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này. Trong đó cần quan tâm đến các yếu tố cấu thành giá để có mức giá phù hợp, hạn chế tình trạng khai khống, nâng khống khiến giá sách bị đội lên quá cao hoặc tăng đột biến, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh cũng như người dân và xã hội. Bên cạnh đó, cần bảo đảm lợi ích của nhà xuất bản, các đơn vị phát triển SGK, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng, tạo cơ sở để phát huy khả năng sáng tạo, khơi dậy tinh thần học tập của học sinh. Muốn như vậy cần có cơ chế thỏa đáng để thu hút các đơn vị tham gia biên soạn, xuất bản SGK, giúp tăng thêm lựa chọn cho giáo viên, học sinh, tạo thuận lợi cho công tác giảng dạy, học tập. Đối với những gia đình còn khó khăn, chưa có nhiều điều kiện chăm lo đầy đủ cho con em đang độ tuổi đến trường, Nhà nước đang triển khai phương án hỗ trợ kinh phí cho thư viện các trường học, tạo nguồn SGK để cho học sinh mượn. Giải pháp này sẽ kịp thời chia sẻ gánh nặng với người dân và xã hội, nâng bước các em học sinh trên hành trình học tập.

MẠNH HƯNG