• :
  • :

Trang bị kiến thức, kỹ năng và đạo đức cho sinh viên

Thời gian qua, nhiều liên hoan sân khấu, cuộc thi tài năng được tổ chức. Một trong những ấn tượng đọng lại là các tài năng trẻ, có người đang là sinh viên, tham gia ở hầu hết các khâu, từ biên kịch, đạo diễn tới diễn xuất.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS, NSƯT Bùi Như Lai, Trưởng khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội cho biết, ông rất tin tưởng vào thế hệ tương lai của nghệ thuật sân khấu và điện ảnh Việt Nam.

Khắt khe trong tuyển chọn đầu vào 

Phóng viên (PV): Mỗi mùa tuyển sinh, Khoa Sân khấu luôn giữ vị trí tốp đầu của nhà trường về số lượng thí sinh đăng ký thi tuyển. Vậy công tác tuyển chọn được tiến hành như thế nào, thưa ông?

TS, NSƯT Bùi Như Lai: Khoa Sân khấu hiện có 5 chuyên ngành đào tạo: Diễn viên kịch-điện ảnh; đạo diễn sân khấu; đạo diễn sự kiện-lễ hội; biên kịch sân khấu; lý luận, lịch sử và phê bình sân khấu. Về tiêu chí đào tạo, nhà trường đặt lên hàng đầu việc tìm ra nhân tố có khả năng diễn xuất đối với diễn viên, với đạo diễn phải nhìn thấy tiềm năng tư duy đạo diễn... Để đánh giá tiềm năng thí sinh, chúng tôi tổ chức vòng sơ tuyển và trung tuyển.

Cảnh trong vở diễn "Cơn ghen của Lọ Lem" do sinh viên Khoa Sân khấu (Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội) biểu diễn. 

Với chuyên ngành diễn viên sân khấu-điện ảnh, vòng sơ tuyển đánh giá chiều cao (đối với diễn viên thì nữ cao 1,55m và nam 1,65m trở lên), hình thức bên ngoài, giọng nói, cảm thụ văn học-nghệ thuật thông qua bài thơ, bài hát và diễn một tiểu phẩm tự chọn. Năm 2022 có khoảng 1.200 hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành diễn viên sân khấu-điện ảnh, nhưng khi vào trung tuyển còn 80 thí sinh và trúng tuyển có 44 sinh viên, chia làm 2 lớp. Để có số sinh viên trên, công tác tuyển chọn rất khắt khe. Mỗi thí sinh phải thể hiện được khả năng, tốc độ suy nghĩ, sáng tạo để diễn đạt được những yêu cầu của 5 thành viên ban giám khảo. Ở nhiều cuộc tuyển chọn, có những ý kiến thắc mắc, rằng tuyển diễn viên phải yêu cầu cao hơn về mặt hình thể, nhưng chúng tôi vẫn phải định hướng điều cốt lõi nhất trong công tác tuyển chọn tài năng đó là nhìn thấy tiềm năng, tố chất để trở thành diễn viên. Vì chúng tôi đào tạo diễn viên cho ngành nghề, cho nhà hát, các đoàn nghệ thuật và cho ngành nghệ thuật nói chung chứ không phải tuyển chọn hoa hậu, người mẫu. Thực tế là có những nghệ sĩ không có lợi thế về chiều cao hay hình thể, nhưng có tài năng và đóng góp cho nghệ thuật nước nhà.

PV: Ông có thể cho biết công tác đào tạo của Khoa có gì đổi mới so với trước đây?

TS, NSƯT Bùi Như Lai: Khi nhắc đến ngành nghề đào tạo, chúng tôi thường được mọi người cho rằng công tác truyền nghề-cầm tay chỉ việc là chủ yếu. Tuy nhiên, điều này chỉ là một phần trong công tác đào tạo. Có lẽ khó có ngành nghề đào tạo nào được như ngành diễn viên sân khấu-điện ảnh, khi mỗi sinh viên được học diễn xuất cùng lúc với 4-6 thầy, cô giáo. Cũng có sự truyền dạy, với Khoa Kịch hát dân tộc, sinh viên được học theo vai mẫu; nhưng với sinh viên sân khấu-điện ảnh thì không có vai mẫu nào cả, vai mẫu là đời sống bên ngoài xã hội, là sức nóng của xã hội đương thời và không được lặp lại chính mình. Vì thế, chúng tôi chú trọng nâng cao chương trình đào tạo, ngoài giáo trình bài bản thì các giáo viên tham gia giảng dạy đều là những nghệ sĩ tên tuổi và có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ nghệ thuật, như: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSND Minh Hòa...

Một nội dung quan trọng trong đổi mới đào tạo hiện nay chính là sinh viên được học với các chuyên gia nước ngoài. Ngay từ những tuần học đầu tiên, sinh viên đã được làm việc với các chuyên gia đạo diễn thiết kế âm thanh, ánh sáng của Australia, chuyên gia dàn dựng, diễn xuất của Áo, Đức, Nhật Bản...

Ngoài yếu tố của đào tạo nhà trường, thì một điều nhận thấy rõ nét là những năm gần đây, sinh viên của Khoa lên thư viện rất nhiều. Họ ý thức được phải đọc nhiều hơn vì nghề diễn viên về cơ bản là bắt chước và tưởng tượng. Đọc cũng là cách học mà chúng tôi luôn khuyến khích, cổ vũ các em; từ đó công tác tuyển chọn giáo trình, sách tham khảo cùng áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động thư viện để có các video clip, bộ phim, vở diễn được ghi hình, âm thanh... đã được nhà trường quan tâm đầu tư tuyển chọn trang bị, đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên.

 TS, NSƯT Bùi Như Lai.

Muốn làm được nghề, người học phải giỏi hơn thầy

PV: Được học lớp diễn viên phải trải qua một quá trình khắt khe, nhưng rõ ràng ngành học này vẫn đầy sức hấp dẫn với nhiều bạn trẻ?

TS, NSƯT Bùi Như Lai: Không thể phủ nhận độ phủ sóng của phim truyền hình, sự nở rộ của điện ảnh với tần suất sản xuất 40-50 phim truyện điện ảnh ra rạp hằng năm, các hoạt động nghệ thuật giải trí... tạo sức hấp dẫn cho ngành diễn viên cũng kích thích sự yêu thích, niềm đam mê của các bạn trẻ. Chúng tôi cũng nhận được những ý kiến, đề xuất cần mở rộng công tác tuyển chọn và đào tạo. Nhưng với nghệ thuật, không thể lấy số nhiều làm tiêu chí. Muốn có nghệ sĩ tài năng không thể ồ ạt tuyển chọn rồi đào tạo đại trà. Như thế sẽ làm hỏng tài năng và làm mất những giá trị nghệ thuật đích thực.

Hiện nay chúng tôi đang thực hiện đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về “Chương trình đào tạo sinh viên tài năng”. Dựa trên tài năng và điểm số, ngoại ngữ của các bạn sinh viên (mỗi khóa trung bình 2 lớp), từ năm thứ hai, chúng tôi chọn mỗi năm 10-15 sinh viên nổi trội để làm việc với chuyên gia. Ví dụ chúng tôi mời NSƯT Lê Chức thỉnh giảng lý luận phê bình, kỹ năng phát âm; NSƯT Thanh Lam dạy về âm nhạc; người dẫn chương trình (MC) Danh Tùng dạy kỹ năng thuyết trình; võ sư Nhật Bản dạy võ thuật, chuyển động cơ thể... Tức là sinh viên lớp tài năng sẽ được trang bị nhiều kỹ năng. Áp dụng vào thực tế các bạn đã làm được nhiều việc, chẳng hạn hiện nay, các sự kiện của nhà trường đều do các bạn tổ chức, từ MC, dàn dựng chương trình, đạo diễn, trình diễn. Mục đích là đào tạo ra sinh viên tốt, làm được nghề, ít nhất cũng phải ngang thầy, không thì phải giỏi hơn thầy.

PV: Danh xưng nghệ sĩ, ánh hào quang sân khấu luôn có sức hút rất lớn với nhiều bạn trẻ. Vậy ngoài kiến thức, rèn rũa tài năng thì nhà trường còn trang bị những gì cho sinh viên để họ có hành trang vững vàng khi bước vào nghề?

TS, NSƯT Bùi Như Lai: Tôi luôn lấy câu của các thế hệ đi trước truyền dạy cho các em rằng: Nghệ sĩ giỏi phải biết mang lên sân khấu những vấn đề của cuộc sống, còn người nghệ sĩ tồi là mang những vấn đề của sân khấu ra ngoài cuộc sống. Muốn làm văn hóa thì người làm nghệ thuật phải có văn hóa, trong hành vi ứng xử, nói năng hằng ngày. Nếu nhận thức lệch lạc về văn hóa, các bạn sẽ tạo ra những sản phẩm lệch lạc, như thế các bạn sẽ sớm tự đào thải chính mình và bị khán giả quay lưng.

Hiện danh xưng nghệ sĩ ở nước ta cũng đang là vấn đề cần nghiêm túc xem lại. Với các nước có nền nghệ thuật phát triển, điển hình Hàn Quốc là nước có nền công nghiệp giải trí rất phát triển, họ cũng chỉ gọi là diễn viên, trong đó có diễn viên hạng A; chứ không như nước mình, cứ hát được vài bài, hóa thân trong một vài vai diễn đã có người tự ngộ nhận là "nghệ sĩ". Danh xưng nghệ sĩ rất cao quý và không dễ gì ai cũng có thể chạm đến.

Câu chuyện làm nghề và thành công rất dài. Lấy ví dụ NSND Trung Anh, nhiều người có thể quen anh với sân khấu, nhưng để đông đảo khán giả biết đến anh thì phải tới phim “Người phán xử” rồi “Về nhà đi con”. Để đến được thành công đó, nghệ sĩ đã đi trên hành trình gần 30 năm. Hay như diễn viên Thu Quỳnh, có lợi thế xinh đẹp, tài năng mà bạn ấy cũng phải nỗ lực hơn 10 năm mới có được thành quả như hiện nay. Mấy ai được như NSND Lan Hương với “Em bé Hà Nội” nổi tiếng từ khi 10 tuổi và giữ được tên tuổi đến nay. Biên độ thành công đừng nghĩ vào được vai diễn là nổi ngay đâu, đừng hão huyền, những tấm gương đó, con người đó luôn là câu chuyện, bài học trong đào tạo diễn viên sân khấu-điện ảnh hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)

Tags: sân khấu
Lượt xem: 41
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết