• :
  • :

Học phí mầm non, phổ thông được xây dựng trên nguyên tắc nào?

Có sự khác biệt về quy định trong Luật Giáo dục và nguyên tắc xác định học phí trong Nghị định 81/2021, dẫn đến hiện tượng “cùng 1 lớp, 2 mức học phí”.

Học phí mầm non, phổ thông được xây dựng trên nguyên tắc nào?

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Nghệ An tặng quà cho học sinh huyện miền núi Kỳ Sơn. Ảnh: Hải Đăng

Triển khai Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí, HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 14 ngày 14.7.2022 về cơ chế học phí. Theo đó, học phí được thu theo các mức khác nhau tùy theo địa bàn và cấp học, dao động từ 50 – 300 nghìn đồng/tháng (mức thấp nhất theo khung trần học phí quy định tại Nghị định 81/2021).

Trên địa bàn thành phố Vinh có 2 mức thu chênh lệch nhau đến 3 lần. Sau khi đi vào thực tế, có những trường hợp cùng học một lớp, nhưng học sinh thuộc địa bàn xã nộp 100 nghìn/tháng, còn học sinh có hộ khẩu phường đóng 300 nghìn/tháng.

Được biết, quy định nói trên được nhiều địa phương áp dụng khi triển khai Nghị định 81/2021, nhưng cũng có địa phương quy định thu học phí theo địa bàn nhà trường đóng chân.

Theo đó, nhà trường có địa chỉ tại khu vực nào thì thu học phí áp dụng cho khung của khu vực đó, không căn cứ hộ khẩu, địa bàn cư trú của học sinh.

Hiện tượng cùng một văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định 81/2021) nhưng có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau là rất hi hữu và cần được xem xét, xử lý một cách kịp thời.

Theo các chuyên gia pháp lý, nguyên nhân của tình trạng trên là do trong phần “nguyên tắc” thu học phí của Nghị định 81/2021 đã có nhiều nội dung khác biệt so với Luật Giáo dục 2019.

Sự khác biệt về nội dung học phí quy định trong Luật Giáo dục 2019 và nguyên tắc xác định học phí trong Nghị định 81/2021. Ảnh: Hải Đăng

Sự khác biệt về nội dung học phí quy định trong Luật Giáo dục 2019 và nguyên tắc xác định học phí trong Nghị định 81/2021. Ảnh: Hải Đăng

Theo luật sư Lê Đình Việt (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), nội dung “học phí” được Luật Giáo dục 2019 nêu tại Điều 99:

“1. Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định; đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học”.

Như vậy, trong Luật Giáo dục, học phí được xây dựng trên nguyên tắc bù đắp chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo.

Tuy nhiên, Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định: “Điều 8. Nguyên tắc xác định học phí.

1. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập.

Mức thu học phí được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục”.

Theo luật sư Lê Đình Việt, cần xem xét các nguyên tắc “chia sẻ giữa nhà nước và người học”, “phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm”, “bảo đảm chất lượng giáo dục” có phù hợp với Luật Giáo dục 2019 hay không.

“Theo quy định của pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật không được có nội dung trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên” – luật sư Lê Đình Việt cho biết.

Vào ngày 17.7.2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH, Tư pháp, cùng Ủy ban Văn hoá - Giáo dục, Ủy ban Tài chính của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương … về cơ chế, chính sách học phí.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, chính sách học phí vừa phải công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ dịch vụ giáo dục, đào tạo; đồng thời giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi học sinh trong độ tuổi đi học đều được đến trường nhằm thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông.

Lượt xem: 13
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết