Tập trung xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị
Mục tiêu đến năm 2035, TP Hồ Chí Minh phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) còn lại với tổng chiều dài khoảng 200km.
Để thực hiện mục tiêu này trong vòng 12 năm tới, thành phố phải nỗ lực rất lớn với quyết tâm cao và huy động nguồn lực tương xứng.
Đây không phải là mục tiêu dễ dàng đạt được, bởi thực tế trong 20 năm gần đây, thành phố mới chỉ làm được 20km ĐSĐT. Song, dù rất khó khăn và nhiều thách thức vẫn phải thực hiện để hướng tới hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông của đô thị hiện đại.
Một đoàn tàu tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo quy hoạch, hệ thống ĐSĐT TP Hồ Chí Minh gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray và quy hoạch xây dựng 7 nhà ga cho các tuyến ĐSĐT cùng 3 nhà ga cho các tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Tổng chiều dài toàn bộ hệ thống ĐSĐT TP Hồ Chí Minh khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD.
Hiện tại, thành phố mới chỉ triển khai được hai tuyến metro là tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), dự kiến hoàn thành cuối năm 2023 và tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) mới khởi công xây dựng công trình hạ tầng, giải phóng mặt bằng cuối tháng 6 vừa qua, dự kiến hoàn thành năm 2032. Trong đó, chỉ riêng tuyến metro số 1 dài gần 20km, thành phố đã phải làm trong 16 năm (từ năm 2007).
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, nếu vẫn giữ phương pháp triển khai xây dựng ĐSĐT như hiện nay, trong 12 năm tới, TP Hồ Chí Minh sẽ không thể đạt được mục tiêu hoàn chỉnh 200km ĐSĐT theo Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cho nên, thành phố phải có chiến lược thay đổi đột phá, quyết liệt, toàn diện và huy động nguồn lực tối đa cho ĐSĐT. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thành phố cần tập trung vào 5 lĩnh vực trọng yếu, đó là: Quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; huy động nguồn lực tài chính; hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; thực hiện giải pháp về công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý nguồn nhân lực.
Mặc dù hiện nay, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã được triển khai tạo thuận lợi để thành phố thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng nhưng Trung ương và các bộ, ngành liên quan cần tạo điều kiện về hành lang pháp lý, hỗ trợ nguồn lực để TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh xây dựng mạng lưới ĐSĐT.
Đây cũng là sự khích lệ thiết thực để TP Hồ Chí Minh nỗ lực phấn đấu hoàn chỉnh hệ thống ĐSĐT phục vụ kinh tế, dân sinh, giải quyết ách tắc giao thông để kết nối liên vùng, phát triển khu vực Đông Nam Bộ trong tương lai.
THANH HUYỀN