• :
  • :

Giải pháp hữu hiệu trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm

6 tháng đầu năm 2023, các chương trình tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho trên 64 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Người dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội

Người dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội

Tập trung vào giảm nghèo và an sinh xã hội

Theo đánh giá của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị xã hội thành phố Hà Nội đã khắc phục khó khăn, tiếp tục phối hợp tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác ủy thác cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.

Doanh số cho vay các chương trình ủy thác qua tổ chức chính trị xã hội đạt 3.039 tỷ đồng với trên 64.000 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu các chương trình: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn..; Doanh số thu nợ đạt 2.149 tỷ đồng, chiếm 71% doanh số cho vay.

Đến 30/6/2023, tổng dư nợ của toàn thành phố là 13.615 tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đạt 13.598 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ; dư nợ ủy thác tăng 889 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng số khách hàng dư nợ ủy thác là 262.256 người tại 7.067 tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân có 37 thành viên/tổ, dư nợ bình quân đạt 1.924 triệu đồng/tổ và 52 triệu đồng/người vay.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho trên 64 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội; Trong đó: 46 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, 47.490 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút trên 49.000 lao động; Hỗ trợ kinh phí cho gần 16.500 hộ gia đình xây dựng mới và cải tạo gần 33.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; Cho vay 84 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập...

Các chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đều tăng so với đầu năm. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý dư nợ cao nhất với trên 141 nghìn hộ vay thuộc 3.681 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ 7.358 tỷ đồng. Hội Nông dân dư nợ 3.328 tỷ đồng với trên 68 nghìn người vay thuộc 1.850 tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội Cựu chiến binh dư nợ 2.254 tỷ đồng với gần 41 nghìn người vay thuộc 1.201 tổ tiết kiệm và vay vốn. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội dư nợ 658 tỷ đồng, với gần 12 nghìn người vay thuộc 335 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Linh hoạt các giải pháp cho vay hỗ trợ giảm nghèo

Linh hoạt các giải pháp cho vay hỗ trợ giảm nghèo

Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị xã hội thành phố thường xuyên thông tin 2 chiều, trao đổi về những thay đổi trong quy trình nghiệp vụ, chủ trương, chính sách mới, những khó khăn, vướng mắc phát sinh... trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện để thống nhất chỉ đạo theo ngành dọc. Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạo các đơn vị cơ sở nắm bắt, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn các chương trình cho vay; Phối hợp với tổ chức chính trị xã hội các cấp và các tổ tiết kiệm và vay vốn hoàn thiện hồ sơ, giải ngân kịp thời nguồn vốn thu hồi và vốn tăng trưởng theo chỉ tiêu kế hoạch được Trung ương và UBND thành phố, quận, huyện, thị xã giao.

Các đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên phối hợp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua buổi họp giao ban tại xã để tìm giải pháp khắc phục đối với các tổ xếp loại trung bình, yếu.

Các tổ chức chính trị xã hội thành phố đã xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát hoạt động ủy thác vay vốn năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức chính trị xã hội cấp thành phố đã thực hiện kiểm tra được 45 lượt Hội cấp huyện, 45 lượt hội cấp xã, 134 tổ tiết kiệm và vay vốn và 252 người vay theo kế hoạch đã xây dựng năm 2023.

Giải quyết thủ tục vay vốn cho người dân tại điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Giải quyết thủ tục vay vốn cho người dân tại điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Đẩy mạnh tuyên truyền

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát theo kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót, tồn tại. Đồng thời, Hội đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phối hợp tập huấn, hướng dẫn các Hội cấp huyện, cấp xã và các tổ tiết kiệm và vay vốn lưu giữ các tài liệu, hồ sơ đầy đủ, đúng quy định.

Trong phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị xã hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp; Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác trong việc theo dõi, quản lý, đôn đốc, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát của tổ chức chính trị xã hội các cấp đối với việc thực hiện tại cơ sở; Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, tồn tại để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan để trình cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời; Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện tốt công tác tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách cho cán bộ hội đoàn thể các cấp, trưởng thôn, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn.

Các đơn vị quan tâm tập huấn, triển khai tới tổ chức chính trị xã hội cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là những đơn vị có thay đổi cán bộ về công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các Hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn sắp xếp, lưu giữ hồ sơ, tài liệu; Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ để mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn; Tiếp tục duy trì thông tin 2 chiều giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với tổ chức chính trị xã hội các cấp để nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Đặc biệt, các đơn vị sẽ tăng cường sự phối hợp giữa ngân hàng với các sở, ngành liên quan, UBND các cấp, các tổ chức tổ chức chính trị xã hội, trưởng thôn, các tổ tiết kiệm vay vốn nhằm thực hiện tốt tín dụng chính sách, đảm bảo công khai dân chủ từ khâu thông báo vốn đến khâu bình xét, giải ngân, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng an toàn và hiệu quả.

Lượt xem: 9
Tác giả: Nhật Trường
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...