• :
  • :

Xóa bỏ hủ tục trong tổ chức việc tang

Trong việc tổ chức đám tang của người Mông, một số nơi vẫn tồn tại những hủ tục như: Để thi hài người chết trên cáng treo giữa nhà từ 3 đến 7 ngày mới đưa đi chôn; giết mổ nhiều trâu, bò... Tuy nhiên, tại xã Ma Lé, huyện Đồng Văn (Hà Giang)-địa phương có 85% dân số là người Mông, nhờ phát huy vai trò của người có uy tín, cán bộ cơ sở, Bộ đội Biên phòng, hủ tục này đã được xóa bỏ...

Theo phong tục từ xa xưa của đồng bào Mông, khi bố hoặc mẹ qua đời, lần lượt mỗi người con (cả con trai và con gái đã lập gia đình) phải có trách nhiệm làm tang ma cho bố mẹ một ngày, trong ngày đó phải dắt đến một con trâu hoặc bò để giết mổ, làm lễ. Vì vậy, một đám tang của người Mông thường kéo dài 3-7 ngày và giết mổ nhiều gia súc. Trong những ngày này, thi hài người chết được đặt vào cáng treo giữa nhà và chỉ cho vào áo quan trước khi xuống huyệt mộ, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm, nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời sau mỗi đám tang là những món nợ "treo" trên đầu con cháu. Ông Sùng Cháy Ly, già làng thôn Mã Lầu B, xã Ma Lé cho biết: “Trước đây, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo không có trâu, bò, phải đi vay hàng chục triệu đồng mua trâu, bò về làm tang lễ cho người thân. Có trường hợp không vay được thì đổi ruộng đất lấy trâu, bò nên sau tang ma, nhà đã nghèo lại càng nghèo hơn”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú thường xuyên bám nắm cơ sở, tuyên truyền, vận động người dân xã Ma Lé thực hiện nếp sống văn minh. Ảnh: HẦU MINH 

Nhằm xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết xây dựng nếp sống văn minh, đặc biệt là trong cộng đồng người dân tộc thiểu số vùng biên giới. Triển khai thực hiện, xã Ma Lé đã có sáng kiến thành lập ở mỗi thôn một tổ tang lễ gồm cán bộ thôn, người có uy tín... Tổ tang lễ hoạt động tự nguyện, không thu phí, cùng gia đình có người chết tổ chức tang lễ trong thời gian quy định. Đồng chí Hầu Minh Dế, Phó chủ tịch UBND xã Ma Lé cho biết: “Vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng dòng họ, già làng, người có uy tín rất quan trọng. Họ là những người gương mẫu đi đầu, đồng thời là những tuyên truyền viên trong việc xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu. Trường hợp các gia đình không chấp hành, thôn báo cáo và xã sẽ cử tổ tuyên truyền gồm lãnh đạo UBND xã, đại diện các đoàn thể đến vận động. Với những thôn, cá nhân làm tốt, UBND xã tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời... Đến nay, các đám tang trên địa bàn xã Ma Lé không còn tình trạng giết mổ nhiều gia súc và kéo dài quá thời gian quy định".

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để góp phần vào kết quả đó có vai trò quan trọng của Đồn Biên phòng Lũng Cú (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang)-đơn vị đứng chân trên địa bàn. Trên cơ sở quy chế phối hợp giữa Đảng ủy xã Ma Lé và Đồn Biên phòng Lũng Cú, đồn cử một số cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ các thôn để nắm bắt, giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra. Khi thôn xây dựng nghị quyết về việc tổ chức việc tang theo nếp sống văn minh, cán bộ của đồn đã tham mưu cho thôn tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình ký cam kết thực hiện, yêu cầu gia đình đảng viên gương mẫu làm trước, đồng thời phân công mỗi đảng viên phụ trách tuyên truyền, vận động 20 hộ gia đình. Với những gia đình vẫn giữ hủ tục, cán bộ của đồn cùng bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, già làng... đến trực tiếp giải thích, vận động. 

Đại úy Đỗ Ngọc Mỹ, đảng viên phụ trách hai thôn Mã Lầu A và Mã Lầu B-địa bàn có 100% người dân tộc Mông, cho biết: “Việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang không dễ, nhất là với người già, bởi vậy, chúng tôi đã thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với bà con, vừa giúp bà con phát triển kinh tế, vừa từng bước tiến hành công tác tuyên truyền. Khi có ma chay, cưới hỏi, cán bộ phụ trách địa bàn đều đến động viên, chia buồn, phúng viếng hoặc chia vui kết hợp công tác tuyên truyền”.

Những gia đình ở xã Ma Lé có người thân vừa qua đời, như gia đình ông Lù Bà Sáu, Lù Dũng Pó, Lù Nỏ Chô, Lù Sính Thá... tang lễ đều tổ chức không quá thời gian quy định và chỉ mổ một con trâu, bò hoặc lợn. Ông Lù Nỏ Chô cho biết: “Già làng, trưởng họ, bộ đội... đến vận động, mọi người xung quanh đều thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang thì không có lý do gì mình vẫn duy trì hủ tục. Bố mẹ qua đời mà thấy con cháu vì mổ nhiều trâu, bò làm tang lễ mà nợ nần, nghèo đói chắc cũng không yên lòng”. 

KIM DUNG

 

Tags: Hủ tục
Lượt xem: 41
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết