Khôn khéo hóa giải, đẩy lùi bạo lực học đường
Liên tiếp trong vài ngày qua đã xảy ra hàng loạt vụ xô xát giữa học sinh của các trường trên khắp cả nước. Đáng nói là trong các vụ va chạm, có nhiều trường hợp những người xung quanh không can ngăn mà còn cổ vũ “thêm dầu vào lửa”.
Có học sinh còn kéo cả người nhà đi đánh hội đồng bạn mình. Nhiều em đánh bạn xong không hề hối lỗi. Có khi mới viết bản tường trình xong lại tái phạm ngay.
Bạo lực học đường thường để lại những ám ảnh kinh hoàng, thậm chí có trường hợp còn đi theo cả cuộc đời nạn nhân. Vì thế, những tình huống này khiến nhà quản lý, giáo viên và cha mẹ học sinh đều đau đầu tìm cách xử lý. Đã có nhiều bài phân tích nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường là do sự xuống cấp của đạo đức xã hội, thiếu những bài giảng tác động tới văn hóa học đường, chưa có sự làm gương của người lớn, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường... Thực ra nguyên nhân nào cũng đúng và bạo lực học đường diễn ra là sự tích tụ của nhiều nguyên nhân và thường có một khoảng thời gian hình thành, phát triển.
Bạo lực học đường. Ảnh: Báo Văn hóa |
Vậy xử lý thế nào để hạn chế tình trạng bạo lực học đường? Tôi có một chị bạn, con trai chị cũng từng gây thương tích cho bạn và bị gia đình nạn nhân tìm tới “tính sổ”. Khi ấy, nhà trường đã cương quyết không để gia đình bên kia đang nóng giận được gặp con chị mà gọi chị đến. Chị thay mặt con tìm đến gia đình nạn nhân xin lỗi nhưng ban đầu không được chấp nhận. Chỉ khi chị bạn tôi nhìn thấy cháu bé bị thương, từ trái tim của một người làm mẹ, chị khóc thương như con mình đang bị đau. Sự chân thành đó khiến gia đình nạn nhân cảm động mà thù hằn được hóa giải. Tất cả những người có mặt hôm đó cùng ngồi lại nói chuyện với nhau và nhận định rằng trẻ con lứa tuổi trung học thường thiếu chín chắn nên khó tránh khỏi mâu thuẫn. Quan trọng là cách xử lý ra sao để lần sau trẻ không tái diễn. Sau cuộc nói chuyện ấy, rất may, những đứa trẻ liên quan cũng đều nhận ra được tầm quan trọng của vấn đề nên những vụ việc tương tự không tái diễn.
Ở trường hợp này, có thể nhận thấy vai trò của nhà trường và gia đình đã bình tĩnh xử lý mâu thuẫn của trẻ nhỏ một cách thỏa đáng. Tiếc rằng, cách hành xử văn minh như vậy không phải ở đâu, với trường hợp nào cũng thực hiện được. Thực ra, trường hợp trẻ đi học có mâu thuẫn là không tránh khỏi nhưng nhà trường, thầy cô và gia đình có thể sớm nhận biết được các mâu thuẫn nhờ sự phối hợp chặt chẽ, sự quan tâm thấu đáo. Nếu được vậy, có lẽ những mâu thuẫn nhỏ đó sẽ trở thành gia vị cho quá trình trưởng thành của con trẻ. Nhưng với những trường hợp nặng, mâu thuẫn lớn, đánh nhau dẫn đến thương tích, có tổ chức... thì việc xử lý dứt điểm rất khó khăn. Những lúc ấy, rất cần sự bình tâm, thấu đáo và chân thành xử lý cả từ xã hội, nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh. Chỉ có như vậy chúng ta mới giáo dục được trẻ, hướng trẻ về phía tích cực và hối cải sửa lỗi.
HIỀN VINH