Từ bỏ bệnh thành tích
Mới đây, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình chia sẻ: Thời điểm Thái Bình khởi động tham vọng chuyển mình, hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp của vùng, có ý kiến cho là “hô khẩu hiệu”! Thế nhưng, Đảng bộ tỉnh xem đây là động lực hành động và đã đạt được nhiều kết quả mong đợi. Điều ấy thể hiện tư duy đột phá, nói đi đôi với làm, không hô khẩu hiệu suông.
Phải khẳng định rằng, khẩu hiệu vốn dĩ không mang ý nghĩa tiêu cực; đó vừa là mục tiêu vừa là định hướng để thi đua, là một phần trong công tác tuyên truyền của Đảng. Còn nhớ khi đất nước chiến tranh, những câu khẩu hiệu như: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước”, “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt”... đã chạm đến trái tim nhân dân, trở thành lời hiệu triệu hành động.
Khu công nghiệp Liên Hà Thái sẵn sàng hạ tầng đón các nhà đầu tư tới Thái Bình. |
Vậy vì sao, hiện nay lại có câu nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Đừng hô khẩu hiệu nữa!”. Là bởi có nhiều cơ quan, đơn vị quá lạm dụng khẩu hiệu. Khẩu hiệu treo từ ngoài cổng vào đến phòng làm việc. Ngôn từ thì đao to búa lớn, dài dòng nhưng ngẫm lại không rõ mục tiêu, định hướng gì. Có đơn vị chỉ “hô hào” mà ít quan tâm thực hiện, thậm chí “nói hay cày dở”. Hiện tượng này lặp đi lặp lại trở thành “bệnh”, thậm chí bệnh nan y. Minh chứng là có địa phương nọ hô hào “bảo vệ rừng” nhưng khi thanh tra, lại lòi ra thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để mất hàng nghìn héc-ta rừng. Lại có địa phương căng khẩu hiệu “làm sạch biển”, nhưng lại phê duyệt xây dựng các công trình xâm lấn mặt nước biển một cách vô tội vạ để lại hậu quả đáng tiếc.
Hiện nay, “bệnh” hô khẩu hiệu vẫn đang ngấm ngầm gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết là căn bệnh hình thức, phô trương, nhất là ra chủ trương, nghị quyết thích tô vẽ mục tiêu to lớn; khiến cấp trên cảm tưởng nói hay làm cũng hay, cũng tốt. Trong tổ chức thi đua, gây ra hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”, “phát mà không động”, tốn kém, lãng phí. Ở góc độ khác, “bệnh” hô khẩu hiệu sinh ra hiện tượng lý luận, giáo điều trong bộ máy. Đây là một biểu hiện mang mầm mống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phải loại trừ.
Khẩu hiệu thi đua phải có khả năng hiện thực hóa thông qua nhận thức, hành động. Ngày nay, nhiều cơ quan, đơn vị thay đổi lề lối làm việc khoa học sát thực tế, nhiều phong trào thi đua phát động lôi cuốn, thực chất. Tuy nhiên, để tránh mọi sự hô hào khẩu hiệu, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thực hành nói đi đôi với làm, gương mẫu, từ bỏ bệnh thành tích. Đồng thời, cần cải tiến quá trình kiểm tra, giám sát; tránh lấy khẩu hiệu, thành tích ảo hoặc vay mượn thành tích để che lấp những hạn chế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn huấn thị cán bộ, đảng viên cần tránh xa “bệnh” khẩu hiệu. Nói đi đôi với làm, nói và làm phải thống nhất, thông suốt, hiệu quả, đó là điều mà nhân dân và xã hội thời nào cũng cần, cũng trọng và đặt niềm tin.
PHẠM KIÊN