Tiến về Hà Nội... - Bài 3: Nối tiếp những chiến công (Tiếp theo và hết)
Cách đây 70 năm, đoàn quân chiến thắng hùng dũng tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội-trong một rừng cờ hoa rực rỡ của hàng vạn đồng bào xuống đường chào đón. Thủ đô được giải phóng kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp của cả dân tộc. Cùng với đoàn quân chủ lực, LLVT Thủ đô Hà Nội tự hào vì đã làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội giao.
Ra đời từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ các đoàn thể cách mạng, các tổ, đội tự vệ cơ sở phát triển thành các đơn vị hoạt động tập trung do Thành ủy Hà Nội trực tiếp lãnh đạo. LLVT Thủ đô sau đó đã phát triển lớn mạnh với đủ ba thứ quân, cả bộ đội chủ lực; bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ. Với vai trò là nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc, LLVT Thủ đô vừa bám trụ trong lòng địch, hỗ trợ, chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ sở sản xuất, xóm làng, phố phường; vừa tác chiến tiêu hao, tiêu diệt địch và cùng với bộ đội chủ lực tạo thế trận đánh địch... Nhờ những đóng góp quan trọng của bộ đội, tự vệ và công an Thủ đô, công tác tiếp quản diễn ra trong trật tự, hòa bình và hạn chế tình trạng hỗn loạn, đồng bào phấn khởi tự do đi lại làm ăn, hội họp trong niềm hân hoan của chiến thắng.
Các đơn vị Quân đội tiến về tiếp quản Thủ đô trong sự chào đón của người dân Hà Nội, sáng 10-10-1954. Ảnh: TTXVN |
Sau ngày tiếp quản, bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô, LLVT tích cực tham gia giúp nhân dân phục hồi sản xuất, ổn định đời sống, phòng, chống thiên tai, bão lụt, đào mương chống hạn, bảo vệ đê điều... Cuộc sống mới ở Thủ đô Hà Nội nhanh chóng chuyển mình, khởi sắc trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. LLVT Thủ đô Hà Nội tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào công cuộc hàn gắn vết thương, khôi phục sản xuất sau chiến tranh, cung cấp nhân lực, vật lực, huy động hàng vạn thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện xung phong gia nhập Quân đội vào Nam chiến đấu. Đặc biệt, LLVT Thủ đô đã trực tiếp đương đầu và đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.
Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ lần thứ nhất (1965-1968), LLVT Thủ đô cùng với bộ đội chủ lực chuẩn bị thế trận, sẵn sàng đương đầu với không quân Mỹ. Thời điểm này, lực lượng du kích, tự vệ Thủ đô đã phát triển lên 5 vạn người, được bố trí thành lực lượng trực chiến và lực lượng rộng rãi. Lực lượng trực chiến tổ chức thành 150 đội phòng không với 280 khẩu súng máy 12,7mm và 2.810 xạ thủ được huấn luyện kỹ càng về kỹ, chiến thuật bắn máy bay địch. Lực lượng còn lại “tay búa tay súng, tay cày tay súng” gồm tất cả dân quân, tự vệ được tổ chức thành 900 tổ đội công binh, 470 tổ trinh sát, 600 tổ thông tin, 600 tổ cứu thương. Với công tác chuẩn bị chặt chẽ, công tác huấn luyện kỹ càng, nên quân và dân Thủ đô đã góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc, bảo vệ nhân dân và hạn chế thấp nhất những tổn thất cho Thủ đô Hà Nội.
Trong chống chiến tranh phá hoại thứ hai của không quân Mỹ (1969-1973), LLVT Thủ đô có 110.000 dân quân, tự vệ (chiếm 10% dân số), tổ chức thành 6 đại đội, 198 trung đội chiến đấu cơ động, gần 2.600 trung đội chiến đấu tại chỗ. Các phân đội bắn máy bay được trang bị súng máy phòng không 14,5mm, đại liên, tổ chức thành 62 trận địa trực chiến. Những cơ quan, xí nghiệp có từ 70 tự vệ trở lên thì tổ chức các đơn vị chiến đấu, trang bị súng máy cao xạ, cơ động đánh địch nhưng không thoát ly sản xuất, nếu có dưới 70 tự vệ thì trang bị súng chiến đấu bộ binh làm nhiệm vụ chiến đấu tại chỗ và là lực lượng xung kích trong khắc phục hậu quả bom đạn của địch. Bộ đội chủ lực có các tiểu đoàn: 34, 36, 38, 40, 42 và 47; Trung đoàn 59...
Để bảo đảm cho bộ đội chiến đấu, dân quân, tự vệ Thủ đô đã đóng góp hàng nghìn ngày công đào đắp, sửa chữa ngụy trang trận địa, san lấp hố bom, tổ chức các tổ cứu thương, vận tải, cấp dưỡng để phục vụ bộ đội tên lửa, ra đa. Tự vệ các công ty cầu đường bám trụ các trục đường, thu dọn chướng ngại vật, bom nổ chậm, giải phóng mặt đường... và giúp sơ tán hơn 500.000 người (85% số người trong nội thành) ra các địa phương khác tránh bom đạn của địch. Với hoạt động tích cực của LLVT Thủ đô, trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã đập tan mọi hy vọng của Mỹ muốn đưa miền Bắc quay trở về thời kỳ đồ đá và cuối cùng phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trong 21 năm chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), LLVT Thủ đô không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Lực lượng thường trực xứng đáng là nòng cốt để phát triển LLVT Thủ đô, lực lượng dân quân, tự vệ tích cực chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xung kích trong nhiệm vụ sản xuất, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân... Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho LLVT Thủ đô.
Sau ngày đất nước giải phóng (30-4-1975), LLVT Thủ đô phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động sản xuất, cùng nhân dân Thủ đô vượt qua mọi khó khăn. Đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô, ngày 5-3-1979, Bộ Chính trị ra Quyết định số 35/QĐ-TW, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký Sắc lệnh số 28/LCT thành lập Quân khu Thủ đô Hà Nội (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội). Đây là bước ngoặt phát triển của LLVT Thủ đô trong thời kỳ mới nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, ngày càng văn minh, phồn thịnh.
Phát huy vài trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, LLVT Thủ đô tập trung xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ Thủ đô trong mọi tình huống, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước. Theo đó, các đơn vị trực thuộc (cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn...) được xây dựng, huấn luyện vững mạnh về mọi mặt, LLVT các quận, huyện vừa có lực lượng thường trực, vừa có lực lượng dự bị động viên và dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Công tác huấn luyện, quản lý lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ được chú trọng, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ngày một nâng cao.
Để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, LLVT Thủ đô đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh truy quét các tụ điểm buôn bán trái phép và gây rối trật tự xã hội, các đối tượng trộm cắp, lưu manh và buôn bán, tàng trữ các mặt hàng quốc cấm; đấu tranh làm thất bại các âm mưu gây rối, bạo loạn của các thế lực thù địch. Cùng với Công an và các lực lượng của thành phố bảo vệ vững chắc trật tự an ninh Thủ đô, phát triển mạnh mẽ phong trào bảo vệ an ninh của thành phố, tăng cường tuần tra canh gác; tuyên truyền vận động nhân dân gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của thành phố về bảo đảm trật tự công cộng, trật tự giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội...
Phát huy truyền thống hào hùng, kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội để thấy được bước phát triển mạnh mẽ của LLVT Thủ đô trong chiến tranh giải phóng cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những chiến công và thành tựu của LLVT Thủ đô gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành và giữ vững độc lập dân tộc của nhân dân Hà Nội và cả nước, xứng với truyền thống “ Văn hiến-anh hùng-hòa bình-hữu nghị”.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự