Mầm sống sẽ lại lên xanh
Con đường dẫn vào thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên, Lào Cai) ngổn ngang rác thải, bùn đất vẫn còn đầy trong nhà các hộ dân. Cơn lũ vừa đi qua khiến người dân nơi đây chưa hết bàng hoàng.
Mấy chục năm qua dòng sông Chảy chưa bao giờ đổ nước cao đến thế. Trên tường nhà các hộ dân vẫn hằn dấu tích mực nước dâng lên để lại. Chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên cũng là lúc các thầy thuốc nơi đây đang thăm khám cho các bệnh nhân bị tai nạn trong vụ sạt lở do lũ ống, lũ quét gây ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên). Tấm chăn trắng phủ trên thân thể người bệnh là những trẻ em Làng Nủ. Trên thân hình non nớt có đầy vết xước xát. Nỗi đau hiển hiện trên từng gương mặt. Các em đau vết thương trên thân thể, nhớ thương người thân mất mát. Tất cả cộng lại thành nỗi đau tột cùng.
Niềm vui của bé Hoàng Ngọc Lan khi được tặng quà Trung thu. |
Ngồi trên giường bệnh, cháu Hoàng Ngọc Lan (6 tuổi) ôm búp bê bé xinh. Đó là món quà Trung thu do những người có tấm lòng hảo tâm trao tặng. Bé Lan đã mất bố mẹ, anh trai và người anh họ ở cùng nhà. Đôi mắt bé ngơ ngác khi mỗi buổi thức giấc không nhìn thấy bố mẹ và các anh đâu. Chỉ có bà ngoại ở bên chăm sóc, nâng giấc cho em từ khi bị nạn đến nay. Nói trong nước mắt, bà Hoàng Thị Thanh nghẹn ngào: “Chân cháu bị đau không thể tự đứng được, quanh mình đầy vết xước xát. Lúc nào cháu cũng kêu nhớ bố mẹ”.
Thường ngày bé Lan vẫn chơi với anh trai và người anh con bác ruột mồ côi từ bé. Đến giờ bé Lan cũng trở thành mồ côi. Ngày khai giảng, Lan mới nhập trường được một ngày. Niềm vui bên bạn bè chưa được là bao thì việc học đã gián đoạn, sách vở dở dang. Ngồi bên bé Lan, bà Thanh ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi sẽ nuôi cháu. Dù có khó khăn đến mấy cũng gắng cho cháu ăn học nên người để bù đắp những thiệt thòi của cháu”.
Bé Nguyễn Thị Tuynh được các bác sĩ chữa trị, chăm sóc tận tình. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Cũng nằm trong phòng điều trị, bé Nguyễn Thị Tuynh (7 tuổi) vuốt ve búp bê có bím tóc màu vàng. Đôi mắt sụp xuống đượm buồn. Gặng hỏi mãi bé Tuynh mới nói: “Con nhớ em Khôi”. Bé trai Nguyễn Minh Khôi (5 tuổi) là em ruột của Tuynh đã bị lũ dữ cuốn đi. Trong trận sạt lở kinh hoàng, anh Nguyễn Văn Tuấn là bố của 2 bé cũng bị đất đá đè, rồi nước tuôn xối xả trôi cùng với cây cọc, rác thải. Sức người mong manh không thể chống lại lũ dữ nên 3 bố con mỗi người trôi một nơi. Từ chỗ nhà ở kéo xuống mấy trăm mét, anh Tuấn và bé Tuynh dạt gần vào bờ và được người làng cứu, đưa đi chữa trị. Người vợ trẻ đi làm ăn xa trở về cũng thất thần đổ sụp khi biết con trai út và 4 người thân bị mất, chồng và con gái đang điều trị tại bệnh viện đành nhờ người thân chăm sóc. Bé Tuynh bị gãy chân phải bó bột và xước xát hết cả người. Đêm xuống, bé hay giật mình và khóc. Hai bố con nằm viện với những nỗi đau nhức nhối. Người cậu ruột Sầm Văn Nhuận những ngày qua đã lên chăm anh rể và cháu gái. Những đêm khuya nằm trên giường bệnh, bé Tuynh kêu đau và luôn miệng gọi em Khôi, muốn được về chơi với em. Thế rồi bé bảo sẽ dành nhiều đồ chơi để tặng em trai. Tiếng người cậu vỗ về, thủ thỉ với cháu mà đau nhói: “Ngủ ngoan đi con. Hết đau, cậu sẽ đưa con về. Con lại được đi chơi!”.
Chăm sóc đứa cháu mồ côi, bà Thanh ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi sẽ nuôi cháu, dù có thế nào cũng gắng cho cháu ăn học nên người”. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Trong đau thương mất mát, trẻ em là người chịu thiệt thòi nhất, đáng thương nhất. Tuổi thơ trong sáng thơ ngây mà đã phải gánh nỗi đau mất cha, mất mẹ, mất người thân. Nỗi đau đó không dễ gì bù đắp được. Cô bé Hoàng Thị Hồng Nhung (12 tuổi) bỗng trở nên ít nói. Khi tôi gặng hỏi mãi Nhung cũng chỉ lắc đầu. Trong ánh mắt, gương mặt của em chất chứa nỗi sợ hãi, buồn thương. Cháu Nhung bị vật sắc nhọn đâm vào đầu phải khâu nhiều mũi, vùng đùi và thắt lưng bị va đập trầy xước. Nhìn vào hình hài cô bé với đầy vết xước khiến ai cũng mủi lòng thương cảm. Nằm ở giường kế bên, anh Hoàng Văn Nhỡ trong trận sạt lở bị va đập khắp người, đau nhói khi cử động. Gia đình neo người, đến nay cũng chỉ có hai bố con nương tựa vào nhau. Những khi bác sĩ bôi thuốc, thay băng cho con, anh Nhỡ lại gượng dậy đi cùng vào phòng điều trị để con bớt sợ hãi. Khi đau đớn, Nhung bám chặt lấy bố, mặt nhăn lại, miệng rên xiết. Nghĩ đến những thương tật, mất mát, anh Nhỡ thấy tương lai mịt mù khi tài sản chẳng còn gì, ruộng vườn bị san phẳng. Khi tôi thông tin địa phương đã quyết định chọn khu tái định cư, xây nhà cho các hộ dân bị nạn ở Làng Nủ, anh Nhỡ mừng ra mặt: “Vậy là bố con tôi có nơi an cư sau ngày ra viện rồi”.
Những ngày điều trị ở bệnh viện, các em nhỏ ở Làng Nủ được bác sĩ chăm sóc tận tình. Bác sĩ Nguyễn Quang Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên cho biết, toàn bộ viện phí được Bệnh viện chi trả. Nhiều cá nhân, tổ chức đến thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần. Qua điều trị, tình hình thương tật của các nạn nhân cũng dần ổn định.
Làng Nủ sau trận sạt lở kinh hoàng để lại nhiều nỗi đau cho trẻ em. Ngôi làng ấy với các em sẽ chỉ còn trong hoài niệm khi tất cả đã nằm dưới bùn sâu. Với tinh thần "tương thân tương ái", trẻ em Làng Nủ đã nhận được sự quan tâm đùm bọc, yêu thương của cộng đồng. Rồi mai đây, khu tái định cư được hoàn thiện, những ngôi nhà sẽ lại ấm hơi người và vang tiếng nói cười của trẻ thơ. Mầm sống sẽ lại lên xanh trên chính mảnh đất Làng Nủ.
Cơn lũ đi qua, núi đồi lại xanh. Ở phía Làng Nủ, trăng thu lên cao. Ánh trăng sáng soi tỏ con đường đang chờ đón bước chân các em nhỏ sớm lành bệnh trở về.
Ghi chép của VŨ DUY