Danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đại diện cho những điều tốt đẹp
Cố Trung tá hải quân Hoa Kỳ Walter Eugene Wilber là người đã tham chiến ở Việt Nam và bị giam giữ ở Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) trong 5 năm. Trái ngược với suy nghĩ ban đầu của gia đình, sau thời gian bị giam giữ, ông Walter Eugene Wilber lại thiện cảm và luôn nói tốt về Việt Nam.
Muốn tự mình tìm hiểu tất cả những gì giúp thay đổi cha mình, con trai ông, Thomas Eugene Wilber đã quyết định sang bên kia bán cầu. Không biết từ lúc nào, ông càng yêu và gắn bó với Việt Nam. Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Thomas Eugene Wilber cho rằng, danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam.
Thay đổi nhân sinh quan sau khi đến Việt Nam
Ấn tượng về Việt Nam đầu tiên của tôi và gia đình là khi bố tôi bị bắt và giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Điều đáng ngạc nhiên là tuy ở tù nhưng ông viết thư về cho biết rất tích cực giúp đỡ mọi người và bày tỏ nhiều tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Vì thế khi ở Hoa Kỳ, tôi rất tò mò không hiểu bố đã trải qua những gì khiến ông thay đổi như vậy. Tôi quyết định bước chân vào cuộc hành trình đến Việt Nam để tìm hiểu những thắc mắc của mình.
Ông Thomas Eugene Wilber (thứ tư, từ phải sang) trao tặng hiện vật cho cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quân khu 4, tháng 3-2016. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tháng 11-2014, lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Ban đầu tôi muốn tự tìm hiểu theo cách của mình nên đến di tích Nhà tù Hỏa Lò nhiều lần như một du khách bình thường. Hơn một năm rưỡi sau, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phát hiện ra tôi là con trai của ông Walter Eugene Wilber. Mặc dù bố đã kể cho tôi nhiều câu chuyện nhưng khi được làm việc cùng Ban Quản lý di tích, tôi có thêm nhiều thông tin chân thực, chính xác hơn.
Cán bộ, nhân viên ở Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã giúp đỡ tôi phỏng vấn được rất nhiều người, gặp những người đã từng gặp bố tôi, một số người là nhân viên nhà tù từng quản giáo bố tôi... Mối quan hệ của tôi với di tích Nhà tù Hỏa Lò không giống như với bảo tàng mà quan trọng hơn thế nhiều. Từ đây, tôi biết thêm rằng, bố đã giúp người quản giáo học tiếng Anh, còn người đó dạy ông tiếng Việt. Tôi cũng nhận được một cuốn sổ ghi những câu thành ngữ và cách người Mỹ giao tiếp tiếng Việt với nhân viên nhà tù. Di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện giờ còn lưu giữ những bức ảnh của bố tôi. Khi ngắm nhìn những bức ảnh, tôi thấy ông cười rất tươi. Điều đó giúp tôi hiểu rằng ông đang cố gắng làm mọi việc để phát triển mối quan hệ giữa những tù nhân Hoa Kỳ và người trông coi tù nhân tại Nhà tù Hỏa Lò.
Trong hành trình của mình, tôi cũng đã gặp gỡ gia đình của Đại tá Đinh Tôn, phi công đã bắn rơi máy bay của cha tôi; Đại tá Nguyễn Văn Sửu, người công tác cùng phi đội với ông Đinh Tôn năm 1980; cán bộ, nhân viên một số bảo tàng... Đây đều là những trải nghiệm nhiều cảm xúc trong tôi.
Điều bất ngờ là trải qua hành trình ấy, chính tôi cũng đã thay đổi sau khi đến Việt Nam. Sau khi tiếp xúc với rất nhiều người Việt Nam thì tôi hiểu ra rằng, một trong những lý do quan trọng và sâu thẳm nhất cho hành trình tìm kiếm thông tin với tôi là để duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa người Mỹ và người Việt Nam. Tôi không có đủ từ ngữ để diễn đạt nhưng có thể khái quát chính sự nhân văn của con người và văn hóa Việt Nam thôi thúc tôi càng muốn tìm hiểu nhiều hơn về hành trình lịch sử của hai dân tộc.
Người Việt Nam đối xử bình đẳng, tất cả mọi người như nhau. Kể cả trong những tình huống khó khăn nhất, người Việt Nam vẫn dành sự tôn trọng cho người của dân tộc khác. Việt Nam là ví dụ điển hình của việc có được mối quan hệ tốt với các quốc gia khác mà vẫn giữ được bản sắc đặc trưng của mình.
Có một thời gian tôi là giáo viên dạy môn Lịch sử tại Trường Đại học Hà Nội. Lý do tôi nhận lời hợp tác với trường là vì tôi muốn trò chuyện với tất cả mọi người và cũng để trao đổi, cung cấp cho giới trẻ hiện tại thông tin về quá khứ, về những điều đã xảy ra. Như vậy tất cả chúng ta đều hiểu hơn về lịch sử.
Bộ đội Cụ Hồ là đại diện cho những điều tốt đẹp
Trong hành trình tìm kiếm tư liệu của mình, tôi gặp nhiều người đã và đang là Bộ đội Cụ Hồ của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như con cháu của họ. Trên báo Vietnamnews của Việt Nam tôi đã có bài viết “Nothing is more important than independence and freedom: A westerner’s view of Hồ Chí Minh” (tạm dịch: Không có gì quý hơn độc lập, tự do: Góc nhìn của một người phương Tây về Hồ Chí Minh) về Bác Hồ và “Remembering Đinh Tôn: 50 years later” (tạm dịch: Nhớ Đinh Tôn: 50 năm sau) về người đã bắn rơi chiếc máy bay của cha tôi.
Với những hiểu biết của mình về bộ đội Việt Nam, tôi thấy tên gọi Bộ đội Cụ Hồ rất phù hợp với họ. Tên gọi Bộ đội Cụ Hồ thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ của Quân đội Việt Nam đối với lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách gọi này cũng giống như sự tôn trọng sâu sắc của người dân dành cho vị lãnh tụ cũng như Quân đội của đất nước các bạn.
Từ bé, tôi đã có ấn tượng tốt đẹp với Cụ Hồ và bộ đội Việt Nam qua những câu chuyện của bố tôi. Tôi nhớ rằng, bố tôi thường xuyên kể với cả gia đình những câu chuyện khi ông ở Việt Nam và nhiều lần khẳng định rằng người Việt Nam không hề có ác cảm gì với dân Mỹ mà chỉ bất bình với những quyết định tồi tệ của Chính phủ Hoa Kỳ khi đưa quân sang xâm lược đất nước Việt Nam. Bác Hồ là người có ảnh hưởng rất lớn tới người Việt Nam về suy nghĩ này. Đây cũng là lý do thôi thúc tôi luôn cố gắng góp phần hàn gắn quan hệ hai nước.
Tôi nhận thấy bộ đội Việt Nam là những người có lòng trung thành và tận tụy cống hiến, hy sinh cho đất nước. Tôi là một người thích tìm hiểu kỹ thông tin tư liệu. Khi nghe đến danh xưng Bộ đội Cụ Hồ, tôi muốn lan tỏa tới nhiều người Mỹ vì danh xưng này là đại diện cho những điều tốt đẹp.
Danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam để lan tỏa nhiều hơn những giá trị tốt đẹp của con người. Tôi nghĩ điều quan trọng là các bạn cần làm cho mọi người dân trong nước và người nước ngoài hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn rằng Bộ đội Cụ Hồ là chiến sĩ cách mạng của một đội quân chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Họ ra trận vì những lý tưởng cao cả đó chứ không phải vì một mục đích gì khác và đây cũng chính là điều đặc biệt hiếm có của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nghiên cứu của ông Thomas Eugene Wilber là nguồn tư liệu cho bộ phim tài liệu “Câu chuyện sau chiếc bình hoa” của Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An đoạt Giải C Giải Báo chí quốc gia lần thứ X năm 2015. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách, như: “Tù binh bất đồng chính kiến - Từ Nhà tù Hỏa Lò đến nước Mỹ hôm nay”, "Tù binh Mỹ vì hòa bình: Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ"... Ông Thomas Eugene Wilber cũng là đại diện cho một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ hoạt động trong các dự án nhân đạo với các tổ chức Việt Nam. |
THÀNH AN (ghi theo lời kể của nhà nghiên cứu THOMAS EUGENE WILBER, Hoa Kỳ)