Tỉnh táo trước các nội dung lệch lạc trong một số sản phẩm văn học, nghệ thuật ngoại lai
Văn học, nghệ thuật (VHNT) là cánh cửa gần gũi, thiết thân trong giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế. Nhiều năm qua, các sản phẩm VHNT nước ngoài được dịch và quảng bá tại Việt Nam góp phần tạo nên sự đa dạng trong đời sống văn học nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm giá trị, cũng có không ít nội dung tư tưởng lệch lạc, phản động núp bóng sản phẩm VHNT ngoại lai xâm nhập vào Việt Nam gây ra những hệ lụy khôn lường.
Cổ xúy nội dung phản cảm, thô tục, miệt thị văn hóa Việt
Những năm gần đây, sách văn học dịch đang có xu hướng lên ngôi. Ngoài những tác phẩm có nội dung tốt, một số sản phẩm có thông tin sai trái, cổ xúy cho lối sống bừa bãi, phản văn hóa cũng đã xuất hiện. Điển hình là trong một thời gian dài, truyện thể loại ngôn tình, đam mỹ được xuất bản tràn lan. Nhiều cuốn sách viết theo thể loại này khai thác những chi tiết nặng dục tính, ngôn ngữ thô tục, phản cảm. Sau khi bị các cơ quan chức năng “tuýt còi”, những truyện ngôn tình, đam mỹ đã hạn chế xuất hiện nhưng sách chui, sách lậu vẫn lén lút, âm thầm xuất hiện trên thị trường.
Ngoài ra, một số tác phẩm văn học dịch hiện nay còn xuất hiện tư tưởng miệt thị văn hóa Việt. “Huế đẹp như tranh” (Hué Pittoresque) là một trường hợp. Cuốn sách được dịch nguyên văn từ số thứ hai của tập san “Những người bạn của Huế xưa” (Bulletin des amis du vieux Hué) từng được xuất bản tại Pháp năm 1914. Năm 2023, cuốn sách được phát hành tại Việt Nam. Sẽ không có gì đáng nói nếu cuốn sách thật sự đúng với ý tưởng ban đầu là nơi những tác giả “tách mình một cách có chủ ý khơi góc nhìn lịch sử cùng thủ pháp miêu tả tỉ mỉ” để hướng đến việc phản ánh những gì tinh tế nhất, vang vọng nhất của văn hóa trầm tích đôi bờ Hương Giang. Nhưng không hiểu vì “chiếc áo” ý tưởng ấy quá rộng hay một sự lựa chọn có chủ đích mà nội dung cuốn sách đã xuất hiện một số bài viết thể hiện sự miệt thị, coi thường bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nhìn sang lĩnh vực điện ảnh, từng có bộ phim thu hút sự chú ý của các nhà phê bình điện ảnh, báo chí và khán giả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh chủ đề nhân văn như đả phá vấn nạn phân biệt chủng tộc, phản ánh phong trào phản chiến thì nhiều chi tiết trong bộ phim lại có xu hướng bóp méo hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam. Nhiều phân cảnh có sự xuất hiện của người Việt thể hiện sự thô lỗ, cộc cằn. Những câu thoại trong phim thể hiện rõ sự nhục mạ, miệt thị của người Việt Nam-một điều rất khác với thực tế tấm lòng bao dung, vị tha của người Việt.
Cài cắm nội dung mang ý đồ chính trị
Không chỉ dừng lại ở những nội dung thô tục, phản cảm, miệt thị văn hóa Việt Nam, một số sản phẩm VHNT ngoại lai có ý đồ xấu còn trực tiếp cài cắm nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc hệ tư tưởng của Đảng, bôi nhọ mô hình chủ nghĩa xã hội.
Trong lĩnh vực văn học, năm 2013, “Truyện ở nông trại” (Animal Farm) của tác giả George Orwell được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Thật khó hiểu khi một tác phẩm thể hiện rõ tư tưởng chống đối, bôi nhọ mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa lại dễ dàng được công khai giới thiệu trên thị trường văn hóa đọc. Tác phẩm mượn hình tượng của các loài vật ở một nông trại để ám chỉ, xuyên tạc, bôi xấu chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Cuốn sách này chỉ cố ý tô đậm những mặt hạn chế, khuyết điểm mà lờ đi những ưu việt của mô hình quản lý nhà nước xã hội chủ nghĩa, gieo rắc sự bi quan, gây mất niềm tin cho bạn đọc.
Những năm gần đây, nhiều bộ phim nước ngoài có nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp cũng xuất hiện ngày một nhiều. Có thể kể đến như: “Điệp vụ biển đỏ” (Operation Red Sea) sản xuất năm 2018, “Everest Người tuyết bé nhỏ” (Abominable) sản xuất năm 2019, “Quân đội Vương Bài” sản xuất năm 2021, “Thợ săn cổ vật” (Uncharted) sản xuất năm 2022, “Ba chị em” (Little Woman) sản xuất năm 2022, “Barbie” sản xuất năm 2023...
Những sản phẩm VHNT ngoại lai có nội dung độc hại như đã nêu trên, nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ dần hình thành nên những thị hiếu, tư tưởng tiêu cực, tâm lý sùng ngoại, chối bỏ văn hóa truyền thống dân tộc cho một bộ phận người tiếp nhận, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên. Nguy hại hơn, những thông tin sai trái, xuyên tạc, phản động còn trực tiếp xâm phạm đến chủ quyền, an ninh văn hóa, tư tưởng của quốc gia.
Chủ động đấu tranh, kiên quyết loại bỏ các sản phẩm VHNT ngoại lai độc hại
Trong thế giới hiện đại ngày nay, bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng đều coi trọng quyền tự do, dân chủ của con người, nhất là quá trình sáng tạo VHNT-nơi mỗi tác giả và nghệ sĩ thực hiện sứ mệnh truyền tải giá trị chân, thiện, mỹ, phản ánh hiện thực cuộc sống qua hình tượng độc đáo, mới lạ. Quá trình truyền bá, giao lưu VHNT góp phần tạo nên sự đa dạng, thúc đẩy phát triển thị trường văn hóa, là cầu nối gần gũi cho các quốc gia, dân tộc xích lại bên nhau.
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 415.000 bản sách, nhập khẩu 35,3 triệu bản sách; năm 2020, xuất khẩu 300.000 bản sách, nhập khẩu 21,1 triệu bản sách; năm 2022, xuất khẩu đạt 300.000 bản sách, nhập khẩu 16,1 triệu bản sách. Trong quá trình hội nhập quốc tế, nhu cầu thị trường mở rộng, số lượng sách dịch chắc chắn còn tiếp tục tăng cao. Trong đó, sách VHNT luôn chiếm số lượng lớn. Theo khảo sát, tỷ lệ sách dịch khoa học-tự nhiên-công nghệ (9%), sách dịch chính trị (1%), giáo dục (3%) ít hơn nhiều so với sách dịch thiếu nhi (28%), khoa học xã hội (24%), VHNT (19%) và các dòng sách khác (12%). Từ số liệu trên, nhìn rộng ra các lĩnh vực khác, nguy cơ xuất hiện các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động trong một số sản phẩm VHNT ngoại lai vẫn luôn hiện hữu và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần cảnh giác nhận diện, đấu tranh và loại bỏ.
Thời gian tới, xu hướng toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Các thông tin sai trái, lệch lạc, xuyên tạc, phản động trong một số sản phẩm VHNT ngoại lai du nhập vào Việt Nam sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Chính vì vậy, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với công tác quản lý các sản phẩm VHNT ngoại lai. Chủ động đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, không để các sản phẩm VHNT ngoại lai có nội dung sai lệch, xuyên tạc, phản động được phát tán rộng rãi trên thị trường, nhất là trên không gian mạng, gây tiêu cực trong dư luận xã hội.
Trong quá trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm VHNT nước ngoài, những người làm công tác lựa chọn, dịch thuật cần xem xét đầy đủ, toàn vẹn các yếu tố giáo dục, nhân văn, ý nghĩa và giá trị mang lại với đời sống xã hội con người. Tránh hiện tượng chạy theo những thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng để kiếm lợi nhuận. Dịch giả nổi tiếng Thúy Toàn, người được tôn vinh là cầu nối văn chương Nga-Việt từng khẳng định, ông lựa chọn thơ văn Nga cũng như thơ văn Xô viết vì có những phẩm chất, nói lên rung cảm nhân văn, nhân ái phù hợp với thời đại mình, dân tộc mình. Đó là sự nghiêm cẩn và ý thức tự hào, tự tôn dân tộc luôn chảy trong huyết quản người làm công tác cầu nối văn nghệ. Qua đó, góp phần “gạn đục, khơi trong”, truyền bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại vào Việt Nam.
Cùng với đó, bản thân người tiếp nhận VHNT nước ngoài cũng cần tỉnh táo trong lựa chọn, tiếp nhận những sản phẩm có tư tưởng tốt, nội dung ý nghĩa, mang tính giáo dục cao. Không nên tìm đọc, khám phá hoặc tiếp tay cho sản phẩm VHNT ngoại lai chưa được các đơn vị chức năng có thẩm quyền cấp phép. Khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm, người tiếp nhận cũng cần kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng để có thể xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, việc nâng cao cảnh giác trước các thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động trong một số sản phẩm VHNT ngoại lai có vai trò quan trọng. Qua đó, góp phần tăng cường “miễn dịch” trước những hành động chống phá của thế lực thù địch, cơ hội chính trị; tác động tích cực vào nhận thức của xã hội, tạo động lực phát triển "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam. Đề cập vấn đề này, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã định hướng: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”.
Thạc sĩ NGUYỄN ĐỨC HÀ (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)