Nhìn thẳng-Nói thật: Xa xỉ cũng là tội ác
Truyện cổ dân gian phương Tây kể có ông vua tham lam ăn chơi xa xỉ đến mức muốn mọi thứ chạm tay vào đều là vàng. Thần thánh ủng hộ, ông chạm tay vào cột nhà, cả cái nhà to đùng biến thành vàng sáng chóe. Chạm vào cây, cây biến thành vàng lóng lánh, cành lá kim khí chạm nhau nghe rất vui tai. Vô cùng sung sướng, ông coi mình là chúa của thế gian.
Khi đến bữa ăn, sơn hào hải vị liền biến thành vàng, không ăn được. Khát nước, nước biến thành vàng, không uống được. Thế là ông vua chết đói vì vàng. Truyện “Thạch Sùng” của ta kể, xuất thân từ nghèo khó, Thạch Sùng gặp may mắn mà giàu có, rồi mắc bệnh xa hoa đến mức lấy thủy tinh thay ngói lợp nhà, lấy ngọc thạch làm gạch lát sân... Cuối cùng, sự hợm hĩnh sa vào cuộc khoe của mất hết gia sản, ông ta hóa thành con thạch sùng.
Ảnh minh họa: Getty |
Chuyện thật trong lịch sử Trung Quốc về Tấn Vũ Đế, tức Tư Mã Viêm (236-290), rất giỏi cầm quyền nhưng cuối đời sa vào ăn chơi xa xỉ vô độ. Ông ta hỏi quần thần (Lưu Nghị) rằng (ta) hơn các bậc quân vương nào, được trả lời hơn Hoàn Đế, Linh Đế (hai vua kém cỏi nhất). Vì họ bán quan tước lấy tiền làm giàu quốc khố. Bệ hạ bán quan tước nhưng lấy tiền dùng riêng. Về sau ông ta bị quả báo.
Bệnh xa xỉ thường có ở người giàu. Ở nước ta, thời Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều quan tham đến mức cụ phải cảnh tỉnh, răn đe: Theo dục vọng thì thậm nguy/ Chìm chìm đắm đắm/... Sang thì dẫn đến kiêu ngạo/ Giàu có thì xa xỉ.../ Đốt sáp thay củi, đồ ăn ngon ngậy.../ Thấy người chết đói lăn xuống rãnh/ Một đồng xu cũng sẻn tiếc không cho (Trung Tân quán bi ký). Đến đời Lê, trong “Lê triều khiếu vịnh thi tập”, tác giả Hà Nhậm Đại phê phán Vua Lê Uy Mục để thỏa mãn hoang dâm xa xỉ đã “thả sức làm điều bạo ngược”, mỉa mai Vua Lê Tương Dực “ăn chơi xa xỉ cuối cùng sẽ mắc hoạn nạn vì xa xỉ”. Với quan điểm trung thực với chính sử, các tác giả “Hoàng Lê nhất thống chí” khẳng định chúa Trịnh Sâm “thực sự là kẻ có tài” nhưng sẽ không bền vì mắc bệnh “kiêu căng, xa xỉ”.
Ở nước ta, thời gian gần đây, có một số quan chức nhờ tham ô, hối lộ mà có số tài sản cực “khủng”. Có quan chức, ngoài ô tô Mercedes BenZ, còn hơn trăm sổ tiết kiệm, gần trăm miếng vàng, hàng chục đồng hồ đeo tay với giá trị nhiều tỷ đồng, cùng số lượng lớn tiền mặt và USD, nhiều sổ đỏ... Rõ khổ! Chắc quan chức này vì mải mê tiếp khách nhận “quà tặng” mà không xem phim trên truyền hình về câu chuyện Hòa Thân bên Trung Quốc. Ông ta cũng vơ vét, tham ô, hối lộ... để thỏa mãn xa hoa, nhưng “lưới trời lồng lộng”, cuối cùng phải trả giá bằng bi kịch thảm khốc!
Trước nay, người chỉ ra tác hại của căn bệnh này sâu sắc nhất là Bác Hồ. Ngay từ năm 1947, Người đã cảnh báo: “Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, giả dối”. Đưa ra bài thuốc chữa trị đúng nhất, cũng là Bác Hồ: “Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng”. Bác dùng hình tượng thật giản dị, quen thuộc, dễ hiểu: “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm”. Lời Bác vừa là nguyên lý, vừa là chân lý, cũng là đạo lý!
Nhà Phật dạy, của cải là ngoài thân, đến với thế giới này bằng hai bàn tay không, ra đi cũng hai bàn tay trắng. Có mang theo của cải đi được đâu. Cái quý nhất của đời người là danh dự. Trong khi đồng bào đang tần tảo, một nắng hai sương, lam lũ kiếm từng đồng một. Có nơi phải chịu thiên tai mất hết tài sản, nhà cửa, ruộng vườn. Thế mà vì lòng tham không đáy, nhiều “quan tham” thời nay vẫn coi tiền vàng hơn cả danh dự, uy tín, thậm chí hơn cả mạng sống. Không có liêm sỉ rất dễ đẩy người ta đến tội ác! Bài học nhãn tiền này thêm một lần cảnh tỉnh cho những quan chức nào còn “vấn vương, vương vấn” trong cái vòng tham lam!
NGUYÊN THANH