• :
  • :

Nhìn thẳng - Nói thật: Vấn nạn lãng phí thực phẩm

Có những sự vô tình, vô tâm tưởng như vô thưởng vô phạt chẳng gây hại đến ai, nhưng sự thật lại là nỗi trăn trở khiến bất cứ ai có lương tri cũng không khỏi xót xa. Đó chính là sự lãng phí thực phẩm đã, đang gây ra biết bao hệ lụy mà không ít người trong xã hội thời nay vẫn còn thái độ dửng dưng, vô cảm.

Thông tin gần đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, mỗi năm có tới 30% thực phẩm bị lãng phí trên hành trình từ trang trại đến bàn ăn, tương đương khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm. Số lượng thực phẩm này đủ để nuôi sống người dân của 3 châu lục (châu Phi, châu Mỹ, châu Âu) trong vòng một năm.

Cách nay 45 năm, tổ chức FAO quyết định lấy ngày 16-10 hằng năm là Ngày Lương thực thế giới, với sự hưởng ứng tham gia của hơn 150 quốc gia, nhằm nâng cao nhận thức của người dân toàn thế giới về những vấn đề nghèo và đói, về sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm. Nhận thấy vấn đề cấp bách của vấn nạn lãng phí thực phẩm ngày càng trầm trọng, cách đây 4 năm, tổ chức FAO và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chính thức lấy ngày 29-9 hằng năm là Ngày Quốc tế Nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm.  

Ảnh minh họa: Báo Tin tức 

Một nghịch lý là thế giới có gần 300 triệu người thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn thì sự lãng phí thực phẩm lại trở thành một trong những thách thức đối với an ninh lương thực thế giới. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi chất thải thực phẩm bị đưa ra bãi rác hoặc chất đống, chúng sẽ phân hủy yếm khí, tạo ra khí metan (CH4) có tác dụng giữ nhiệt cao hơn CO2 gần 30 lần. Đây cũng là một trong những “thủ phạm” gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, ô nhiễm môi trường trên trái đất.

Nước ta chưa giàu, đến cuối năm 2023, cả nước còn khoảng 815.000 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, nhưng sự lãng phí thực phẩm của người Việt rất đáng báo động. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ hai về lãng phí thực phẩm, tương đương 3,9 tỷ USD/năm.

Để dễ hình dung hơn, sự lãng phí thực phẩm của nước ta còn cao hơn cả nguồn thu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn cộng lại trong năm 2022 là 3,71 tỷ USD. Nói cách khác, 4 tỉnh nghèo nhất Việt Nam làm quần quật quanh năm mới có nguồn thu gần bằng sự... lãng phí thực phẩm của cả nước!

Theo kết quả nghiên cứu “Nguyên nhân dẫn đến thói quen lãng phí thực phẩm ở cấp hộ gia đình tại Việt Nam” do Trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý (CFVG) phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh công bố mới đây, có 4 yếu tố làm tăng nguy cơ lãng phí thực phẩm bao gồm: Thói quen mua sắm, thói quen nấu ăn, thói quen ăn uống và cách đánh giá chất lượng thực phẩm của người tiêu dùng. Trong đó, mua sắm dư thực phẩm và nấu nhiều đồ ăn so với nhu cầu thực tế là nguyên nhân chủ yếu.

Căn nguyên sâu xa gây ra sự lãng phí thực phẩm của người Việt xuất phát từ tâm lý tiểu nông trong văn hóa ăn uống. Dù trình độ dân trí, điều kiện kinh tế-xã hội thời nay đã phát triển vượt bậc so với thời bao cấp trước đây nhưng số đông người Việt vẫn mang nặng tâm lý “no bụng đói con mắt”; “thừa còn hơn thiếu”; “chủ nhà mời khách thì phải thịnh soạn”; “ăn hết phần là mất lịch sự”... Đó là hệ quả dai dẳng của văn hóa tiểu nông chuộng hình thức, sính phô trương, thích sĩ diện, thậm chí có người khi trở nên sung túc vẫn bị ám ảnh tiềm thức ăn để “trả thù”, đền bù cho một thời đói kém.

Nói thẳng ra là những người nào còn mang nặng tâm lý, thói quen ăn uống như vậy không chỉ gây chồng chất thêm rác thải thực phẩm khiến “mẹ trái đất” phải oằn mình gánh nặng ô nhiễm môi trường mà còn khoét sâu khoảng cách giàu nghèo và gây thêm bất công xã hội. 

THUẬN THIẾT

Lượt xem: 0
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...