Góc nhìn giáo dục: Giảm tải cho giáo viên từ các cuộc thi
Đối với giáo viên tiểu học thì việc quan trọng nhất cần phải ưu tiên là dành thời gian, sức lực, tâm huyết, trí tuệ để chăm lo dạy học, giáo dục, rèn luyện học sinh, góp phần củng cố, vun đắp cái gốc “trồng người” ngày càng vững chắc.
Tuy nhiên, những năm gần đây, một mặt do “bệnh phong trào” trong xã hội chưa có chiều hướng thuyên giảm, mặt khác, “bệnh thành tích” vẫn đeo bám dai dẳng ở các cơ sở giáo dục phổ thông khiến cho đội ngũ giáo viên có lúc phải gồng gánh thêm rất nhiều cuộc thi ở cả trong và ngoài trường học.
Nhận thấy mặt trái đó, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu tinh giản các cuộc thi không cần thiết đối với giáo viên tiểu học để thầy cô có điều kiện về thời gian, công sức tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn sư phạm.
Một tiết học của hội thi giáo viên dạy giỏi. (Ảnh: giaoduc.net) |
Động thái trên đây của ngành giáo dục địa phương có số lượng giáo viên phổ thông lớn nhất nhì đất nước là việc làm kịp thời, cần thiết nhằm giảm tải cho các thầy, cô giáo. Vì thời gian qua, một bộ phận không nhỏ giáo viên phải tham gia nhiều cuộc thi của các ngành, các cơ quan, đoàn thể từ cấp phường, quận đến cấp thành phố. Thậm chí có những nhà trường hầu như tháng nào cũng phân công giáo viên tham gia các cuộc thi, như: Thi tìm hiểu lịch sử truyền thống; thi văn nghệ quần chúng; thi thiết kế thời trang tái chế; thi biểu diễn thời trang áo dài; thi cắm hoa nghệ thuật; thi thiết kế xe đạp hoa-tuyên truyền, vận động người dân không xả rác; thi tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS... Đáng nói hơn, càng những lúc cao điểm như ngày lễ, dịp kỷ niệm (Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, lễ khai giảng...), giáo viên càng phải tham gia nhiều cuộc/hội thi nội bộ của trường.
Từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến nay, ngoài việc gánh “hàng tá” áp lực về phong trào, thành tích, thi đua, đổi mới phương pháp giảng dạy theo sách giáo khoa mới còn phải tham gia quá nhiều cuộc thi khiến giáo viên càng thêm mệt mỏi. Đấy là chưa kể những áp lực vô hình như khi đi thi thì phải cố gắng đoạt giải này, danh hiệu nọ để làm “mở mày mở mặt” nhà trường và vui lòng lãnh đạo ban giám hiệu.
Việc yêu cầu giáo viên phải hưởng ứng, tham gia quá nhiều cuộc/hội thi là biểu hiện của “bệnh phong trào”, chạy theo tâm lý đám đông, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn sư phạm của đội ngũ nhà giáo tại trường, tác động không thuận đến hiện thực hóa tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Giáo viên tiểu học mỗi ngày đâu phải chỉ lo soạn thảo giáo án, sổ sách đầy đủ và thường xuyên kèm cặp, giáo dục, giảng dạy, chỉ bảo, uốn nắn học trò từng li từng tí để mong các em chăm ngoan học tốt, kính thầy yêu bạn, lễ phép với người lớn mà phần đông thầy cô cũng còn gánh cả nỗi lo cơm áo gạo tiền cho gia đình, con cái. Nghĩa là ngoài giờ học trên lớp, mỗi khi bước chân ra khỏi cổng trường thì mỗi nhà giáo cũng phải đối mặt, giải quyết biết bao vấn đề trong cuộc sống. Thấu hiểu điều này để giảm bớt những việc ngoài sư phạm không thiết thực cũng là một cách chia sẻ, động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề, dành trọn tâm huyết, trí tuệ, sức lực chăm lo sự nghiệp “trồng người” phát triển bền vững.
DƯƠNG YÊN