Sống, chiến đấu trong lòng nhân dân Lào
Cuối năm 1972, ở chiến trường Nam Lào, Quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội giải phóng Lào đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Attapeu, Salavan và Cao nguyên chiến lược Boloven, ép quân địch vào gần thành phố Pakse, thủ phủ vùng Nam Lào. Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam của chúng tôi được lệnh chuẩn bị tiến công thành phố Pakse.
Khi ấy, tôi được giao chỉ huy một tổ trinh sát luồn sâu điều tra các mục tiêu sân bay quân sự, sở chỉ huy địch để chuẩn bị đường tiến công thành phố. Từ sở chỉ huy Sư đoàn, chúng tôi cắt rừng đến bờ sông Sê Đon, chờ đến đêm thì vượt sông vào vùng địch hậu. Theo hiệp đồng, chúng tôi được đồng chí cán bộ cơ sở bí mật của bạn đón. Chúng tôi vừa đi vừa quan sát, gần sáng thì vào đến cơ sở bí mật. Ở đó, cơm nước được bà con để sẵn, dấu hiệu quy ước là khi thấy cầu thang lên nhà được cất đi là an toàn. Cứ thế, chúng tôi thuận lợi vào đến điểm tập kết nằm giữa Quốc lộ 13 và sông Mê Công.
![]() |
Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền. Ảnh: NGÂN HÀ |
Bàn giao chúng tôi cho một gia đình cách mạng bí mật của bạn, người dẫn đường rời đi ngay. Người chủ nhà sau khi đóng cửa liền tắt đèn, chỉ nhóm bếp lửa nhỏ, vừa nấu thức ăn cho chúng tôi vừa phổ biến tình hình địch, giới thiệu địa hình... Mờ sáng hôm sau, anh dẫn chúng tôi ra giấu ở các lùm cây ngoài cánh đồng. Cuối năm là mùa khô, thu hoạch lúa xong, bà con đều trở về bản, chỉ một vài nhà dùng “thiêng na” (nhà chòi) để chứa lúa và nuôi gà nên việc giấu quân ở đây khá thuận lợi. Đồ ăn của chúng tôi được cơ sở mang đến vào buổi sáng, đủ dùng cho cả ngày.
![]() |
Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền và đoàn công tác Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam thăm và làm việc với Cục Tác chiến QĐND Lào, năm 2002. |
Trong 3 đêm liền, chúng tôi cải trang thành người dân, đi trinh sát dọc Quốc lộ 13 vào thành phố Pakse để ghi nhớ các chốt quân sự, vật cản, hàng rào, sân bay, cầu Pakse... Công việc diễn ra khá thuận lợi vì được cơ sở cung cấp thông tin, chúng tôi chỉ việc xác minh cụ thể và đánh giá lại dưới góc độ quân sự.
Chiều ngày thứ tư, khi chúng tôi đang ẩn nấp thì nghe thấy nhiều tiếng súng nổ phía Quốc lộ 13. Một lúc sau, có hai tên lính mang súng chạy về phía chúng tôi. Đưa mắt nhìn nhau lo lắng, rồi không ai bảo ai, chúng tôi đều cầm chắc súng, lên đạn sẵn sàng. Nhưng thấy chỉ có hai tên, chúng tôi thống nhất nhanh là để cho chúng đến gần rồi xông ra bắt sống, trường hợp xấu nhất mới nổ súng, vì chúng tôi khi ấy đang ở sâu trong vùng địch, nếu phải chiến đấu thì khả năng thương vong rất cao.
Khi hai tên địch đến gần, chúng tôi nhận ra bọn chúng đang đuổi bắt gà của người dân chứ không phải chúng phát hiện ra chúng tôi. Nhưng bất ngờ một con gà lại bay đúng vào lùm cây chúng tôi đang ẩn nấp. Ngay lúc đó có tiếng một cô gái gọi lớn bằng tiếng Lào: “Anh ơi đừng bắt! Gà của em đấy!”. Nghe tiếng gọi, hai tên lính quay nhìn cô gái. Cô lại bảo: “Các anh về nhà em đi, em hái dừa uống nước rồi nấu cơm mời các anh ăn!”. Thì ra là cô con gái nhà cơ sở thấy hai tên địch chạy về hướng nhà chòi nơi chúng tôi đang ẩn nấp liền đi theo và kịp thời đánh lạc hướng địch, cứu chúng tôi thoát hiểm trong gang tấc...
![]() |
Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền và đồng chí Cục trưởng Cục tác chiến QĐND Lào, năm 2002. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sau những ngày phơi nắng, phơi sương, thức đêm làm nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Hữu Huỳnh, thành viên trong tổ, bị sốt rét. Khi đi làm nhiệm vụ, đồng chí Sư đoàn trưởng Phạm Thanh Sơn dặn rất kỹ: “Các đồng chí tuyệt đối không được mang giấy tờ, tài liệu nào trong người, bản đồ công tác cũng không được ghi chép bất kỳ thông tin gì”. Và thế là cả thuốc sốt rét chúng tôi cũng không dám mang theo. Vì hồi đó, thuốc sốt rét đều do Liên Xô và Trung Quốc viện trợ, nếu mang trong người dễ bị lộ thân phận. Bí quá, tôi đành nhờ cơ sở bạn mua hộ thuốc giảm sốt.
Dù địch kiểm soát gắt gao nhưng cơ sở vẫn kịp thời mang thuốc đến ngay trong buổi sáng. Nhưng đến sẩm tối lại thấy một tốp 5 người từ bản đi ra, đi đầu là bà chủ nhà. Chúng tôi hơi chột dạ, chưa kịp hỏi thì bà đã nói: “Nghe tin bộ đội Việt Nam bị sốt, bà con ra thăm và mang thêm thức ăn”. Thấy chúng tôi nhìn nhau có chút lo lắng, một cụ già nói: "Các con yên tâm, chỉ cần giữ bí mật với địch thôi, còn với dân bản thì không phải lo gì nhé. Nhìn các con là bố mẹ biết là bộ đội Việt Nam rồi, thương lắm!”. Tổ chúng tôi, trừ tôi và đồng chí Nguyễn Hữu Huỳnh nói tiếng Lào kém hơn, 3 đồng chí còn lại nói tiếng Lào y như người Lào. Nhưng có lẽ nước da của chúng tôi khác nên không giấu được bà con...
Hơn 40 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm về người dân Lào đã không sợ hiểm nguy, không tiếc tính mạng để che giấu, nuôi dưỡng Quân tình nguyện Việt Nam là điều chúng tôi không thể nào quên. Nhờ những tình cảm ấy mà chúng tôi an toàn sống, chiến đấu trong vùng địch và hoàn thành nhiệm vụ trở về. Sau chuyến công tác đó, cả tổ chúng tôi đều được khen thưởng. Nhưng chúng tôi đều hiểu, nếu không có sự giúp đỡ, che chở của bà con nhân dân Lào, nhiệm vụ của chúng tôi sẽ không thể hoàn thành...
Thiếu tướng NGUYỄN NHƯ HUYỀN, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam
-------------------------
Anh hùng LLVT nhân dân PHẠM MINH GIÁM, nguyên chiến sĩ Đại đội Đặc công 24, Trung đoàn 866
Trận tập kích trên điểm cao Loong Chẹng
Năm 1972, trong Chiến dịch Z (mật danh của Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng), Đại đội Đặc công 24, Trung đoàn 866 (Sư đoàn 31, Quân đoàn 3) của chúng tôi được giao trọng trách luồn sâu, tiêu diệt Điểm cao 1433, một cứ điểm phòng thủ mạnh trong cụm cứ điểm phòng thủ liên hoàn bảo vệ căn cứ Loong Chẹng - tổng hành dinh của quân đặc biệt Vàng Pao và sở chỉ huy Quân khu 2 của địch.
Điểm cao 1433 nằm cách trung tâm Loong Chẹng 4km về phía Đông Nam. Đây là ngọn núi đá có vách dựng đứng, có chỗ tới 87 độ. Lên đỉnh núi chỉ có một lối mòn nhỏ với 6 đoạn cầu thang bắc nối các vách đá. Trên đỉnh, địch bố trí một đại đội thiện chiến của quân Vàng Pao, quen đánh rừng núi, thông thuộc địa hình, được trinh sát trực thăng hỗ trợ, tiếp tế vũ khí, lương thực. Đề phòng ta tiếp cận tấn công, địch gài lựu đạn, mìn Claymore, mìn sáng ở các đoạn cầu thang, trên lối mòn. Ban ngày, chúng cảnh giới đầu cầu thang trên cùng; ban đêm, cứ 10-15 phút lại ném một quả lựu đạn xuống vùng chân thang.
![]() |
Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Minh Giám kể lại trận đánh không thể quên tại Hội thảo khoa học về Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào do Bộ Quốc phòng vừa tổ chức. Ảnh: VĂN CHIỂN |
Từ tháng 10-1971, chúng tôi bắt đầu trinh sát, nghiên cứu cách đánh. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 6 người thuộc Đại đội Đặc công 24, chia làm 2 tổ, mỗi tổ 3 đồng chí. Mỗi chiến đấu viên được trang bị 16 thủ pháo, 4 lựu đạn, AK báng gấp, 3 băng đạn (quấn vải, tránh gây tiếng động), chân trần.
Khoảng 18 giờ ngày 8-1-1972, chúng tôi tiếp cận mục tiêu, bắt đầu trận đánh. Ngay trước khi nổ súng, một đồng chí ho nhiều, phải ở lại, lực lượng chiến đấu chỉ còn 5 người. Sau khi tháo gỡ mìn, lựu đạn ở lối đi, cầu thang và lợi dụng tiếng nổ quả lựu đạn cầm canh của địch để leo lên đỉnh, chúng tôi bị lộ, địch bắn xối xả vào khu vực cầu thang, chỉ có 3 người, trong đó có tôi lên được đỉnh. Trên đỉnh, lợi dụng ánh pháo sáng, chớp đạn, hai đồng chí đi cùng tôi đánh thủ pháo các hầm bên phải, còn tôi lao thẳng vào khu trung tâm, vừa chạy vừa quăng thủ pháo xuống các công sự của địch trên đường. Để nghi binh, tôi hô "xung phong", hò hét vòng trái, vòng phải... Đánh hết mục tiêu, tôi vòng lại thì các đồng chí Đá, Chiến đã hy sinh. Vẫn thấy địch chạy ở các công sự phía dưới, tôi dùng những quả thủ pháo còn lại rồi lấy lựu đạn M67 và súng đại liên của địch tiếp tục chiến đấu. Khi tiếng súng ngừng, tôi kiểm tra trận địa, xác nhận địch hoàn toàn bị tiêu diệt. Lúc này, thấy máu chảy xuống mặt, tôi mới biết mình bị thương ở đầu.
Theo hiệp đồng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi bắn báo hiệu nhưng bắn sai quy ước nên đơn vị không lên hỗ trợ. Sau hơn 4 giờ đồng hồ, tôi lần mò tụt xuống dưới chân núi. May mắn, đồng đội vẫn chờ trong lo lắng, ngỡ ngàng. Chúng tôi ôm nhau òa khóc, mặc cho mùi khét khói súng, máu đầy mặt, đầy quần áo. Nghĩ đến liệt sĩ còn nằm trên đỉnh núi, tôi báo đơn vị nhanh chóng tổ chức đưa hai đồng đội xuống...
VĂN CHIỂN (lược ghi)
-------------------------
Trung tướng PHẠM ĐỨC DUYÊN, Chính ủy Quân khu 2
Tình cảm quân dân Tây Bắc với nước bạn Lào anh em
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, quân và dân Tây Bắc luôn vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, hết lòng, hết sức, toàn tâm toàn ý giúp bạn về mọi phương diện, góp phần vào thắng lợi của cách mạng mỗi nước, đồng thời vun đắp, phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt-Lào.
Đặc biệt, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng giải phóng Tây Bắc trở thành một trong những “hậu phương”, “địa bàn xuất phát” cho các lực lượng Việt-Lào tiến sang xây dựng các căn cứ kháng chiến ở khu vực Thượng Lào, phát triển LLVT cách mạng, tạo tiền đề cho sự ra đời Quân đội nhân dân Lào vào tháng 1-1949.
Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, liên quân Việt-Lào phối hợp tiến công trên những hướng chiến lược của chiến trường Đông Dương, đẩy địch lâm vào phân tán, bị động phòng thủ, tạo điều kiện cho quân và dân Việt Nam giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva năm 1954, chấp nhận rút quân, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân khu Tây Bắc được giao nhiệm vụ cử các đơn vị quân tình nguyện giúp bạn vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, LLVT, đồng thời mở các chiến dịch bảo vệ căn cứ, mở rộng vùng giải phóng, góp phần to lớn làm thất bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh đặc biệt tăng cường của Mỹ ở Lào.
Sau ngày đất nước Lào giải phóng, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 tiếp tục giúp các tỉnh Bắc Lào xây dựng cơ sở, phối hợp với Quân đội nhân dân Lào bảo vệ vững chắc biên cương đất nước. Nhất là những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 cùng cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp với các lực lượng chức năng của bạn tích cực “xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị”; chỉ đạo làm tốt công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh tại Lào; thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác quốc phòng, giúp Lào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế; làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại quân sự, xây dựng quan hệ với các địa phương, Quân đội nhân dân Lào.
Có thể khẳng định, tinh thần chiến đấu, tình cảm cao đẹp, sự đóng góp to lớn, chí tình, chí nghĩa của quân và dân Tây Bắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay đã góp phần tăng cường mối đoàn kết, tình hữu nghị thủy chung, son sắt giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, xứng đáng với lòng tin yêu của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.
HỒNG SÁNG (lược trích)