Dám nhận và quyết tâm sửa lỗi
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo-cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật, đề xuất miễn học phí cho con giáo viên đang công tác từ bậc mầm non đến đại học.
Ngay lập tức, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng quy định này không phù hợp, tạo bất công giữa các công việc, ngành nghề trong xã hội. Trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, tiếp thu ý kiến đóng góp, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa nội dung này ra khỏi dự thảo Luật Nhà giáo. Động thái này được dư luận đồng tình, ủng hộ; nhiều ý kiến hoan nghênh tinh thần cầu thị, kịp thời điều chỉnh những đề xuất chưa phù hợp của cơ quan soạn thảo Luật Nhà giáo và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Không chỉ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, dám thừa nhận tồn tại, khuyết điểm để kịp thời điều chỉnh, khắc phục, sửa sai đang trở thành tinh thần, quan điểm chung của tập thể lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo rút đề xuất miễn học phí cho con giáo viên. Ảnh: laodong.vn |
Tuy nhiên, bên cạnh những quan điểm tích cực, trong thực tế, chúng ta vẫn gặp không ít quy định, quyết định ban hành vội vàng, nội dung chưa phù hợp, dù đã có nhiều ý kiến phê bình, đề xuất nhưng vẫn chưa được khắc phục kịp thời. Cá biệt, có trường hợp, cơ quan chức năng, người có trách nhiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhận thấy quy định, quy trình, nội dung ban hành chưa phù hợp, thiếu hiệu quả nhưng vẫn chấp nhận để nó tồn tại, không dám nhận sai vì sợ quy trách nhiệm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”. Chính Người từng thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa sai trước Quốc hội và nhân dân về một số thiếu sót trong cải cách ruộng đất. Điều đó thể hiện phong cách làm việc chí công vô tư cũng như bản lĩnh của người lãnh đạo chân chính. Đối với Đảng ta, tự phê bình và phê bình cũng một là nguyên tắc sinh hoạt cơ bản, bảo đảm xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
“Nhân vô thập toàn”, con người không ai hoàn hảo; người càng làm nhiều càng dễ xảy ra sai sót. Vì vậy, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dám nhận lỗi và mạnh dạn, quyết tâm sửa lỗi. Khi nhận ra những nội dung, văn bản mình tham mưu, đề xuất hoặc trực tiếp ban hành chưa phù hợp, thiếu hiệu quả, cần phải mạnh dạn nhận trách nhiệm, trực tiếp hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền chỉnh sửa, khắc phục.
Cùng với tinh thần cầu thị, lắng nghe dư luận, dám nhận và quyết tâm sửa sai, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên cần không ngừng học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao trình độ chuyên môn, thực sự "có tâm, có tầm" khi thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
CHIẾN VĂN