• :
  • :

Nghề “đưa đò” của mẹ

“Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi...”, mỗi lần nghe câu hát ấy, ký ức học trò ùa về. Nhớ lớp, nhớ trường, nhớ cả bụi phấn vương trên mái tóc thầy cô.

Mẹ tôi là giáo viên từ thời bao cấp. Cái thời thiếu thốn đủ thứ, từ cái ăn, cái mặc đến sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng ít nhiều đến việc học con chữ. Mẹ bảo không phân biệt con trai hay con gái, con nào cũng được học. Dù khó khăn nhưng thấy các con ngoan, chăm học là mẹ vui. Tôi hiểu áp lực ấy vì mọi người luôn nghĩ con giáo viên sẽ phải học giỏi.

Ảnh minh họa:  Báo Lao động 

Mẹ sinh ra ở vùng quê thuần nông, con nhà nghèo nhưng được cái sáng dạ và chịu thương chịu khó. Ngày ấy, hủ tục lạc hậu cho rằng con gái không cần học cao, chỉ cần chăm chỉ, nết na để có được tấm chồng tử tế. Mẹ rất yêu văn học, quyết tâm học thật giỏi để sau này trở thành cô giáo. Thật may mắn được ông bà ngoại ủng hộ, nhất là cậu bạn thân ngồi cùng bàn luôn tìm tòi, hướng dẫn cách giải những bài toán khó.

Học xong, cậu bạn chung bàn chọn con đường binh nghiệp để thỏa chí nam nhi, cô gái viết tiếp ước mơ vào trường sư phạm. Tình cảm học trò lớn dần, thắp sáng mối tình đầu. Ngày ra trường, đám cưới tổ chức theo lối sống mới, chú rể chững chạc trong bộ quân phục màu xanh lá, cô dâu duyên dáng trong tà áo lụa nền nã. Mưa xuân nhẹ bay, có hạt mưa tinh nghịch lạc trong khóe mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Cưới xong chàng trở lại đơn vị, nơi sắc hoa đào biên cương vẫn đang nở thắm, còn nàng tảo tần nơi hậu phương, dành tâm huyết cho những “chuyến đò” tri thức. 

Gió bấc lùa qua khe liếp, ngọn đèn dầu mờ tỏ làm con chữ như nhảy múa trên trang giáo án. Tối muộn, nghe có tiếng thút thít phía ngoài. Mở cửa bất ngờ thấy cô học trò nhỏ ngồi bậc thềm, vạt áo lau nước mắt. Sau hồi vỗ về mới hiểu chuyện: Nhà kia ở làng bên có con trai đến tuổi tìm vợ, người ta đã “nhắm” được mối này và nhờ người quen qua thưa chuyện. Bố mẹ cô gái nghĩ con mình đã lớn, có người xin cưới thì gả cho xong. Đêm ấy, bàn làm việc của mẹ sáng đèn rất khuya, đôi mắt nhung huyền nhìn vô định, cái bóng trầm ngâm hắt vào khoảng tường tĩnh lặng. Sáng hôm sau, mẹ dậy từ sớm đi đâu đó. Chẳng biết mẹ nói những gì, chỉ biết cô gái chưa phải đi lấy chồng mà còn rất chăm chỉ học hành.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô bé ngày nào giờ đã trở thành đồng nghiệp, tiếp bước nghề cao quý của mẹ. 

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng mẹ vẫn tham gia các hoạt động khuyến học của địa phương, kỳ thi nào có nhiều cháu đạt điểm cao là vui lắm. Vào năm học mới, xem vô tuyến thấy bộ đội biên phòng lặn lội đến từng nhà, vận động đồng bào dân tộc cho các cháu được đến trường, cõng các em qua suối, mang vác đồ dùng giúp các con vượt chặng đường xa. Mỗi lần thấy những hình ảnh đó, mẹ lại rưng rưng cảm động.

Trái bưởi tết đang độ căng bóng, nắng chiều lấp lóa ánh lên màu vàng ruộm, sợ sương muối rụng sớm nên bàn tay mẹ che chắn cẩn thận. Đầu ngõ rần rần bước chân, tiếng cười nói, rồi những cái ôm siết chặt của những lứa học trò cũ về thăm. Đây là Thắm này, đứa suýt bị gả chồng sớm, kia là Quân từng lả vì đói, giờ cao to, phong độ. Vài người chưa kịp nhắc tên thì “nũng nịu” còn em, còn em nữa cô ơi...

Cơn gió nhẹ thoảng mùi hương sả, hương chanh lùa trên tóc cô trắng như cước, tóc trò cũng đã muối tiêu. Những mái đầu ấy chụm lại như ngày xưa yêu dấu, cái thời gom cánh phượng hồng ép vào trang sách, ghi dòng lưu bút nhòe nét mực mà nụ cười luôn tỏa nắng sân trường.   

Tản văn của PHÙNG MINH

Lượt xem: 14
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết