• :
  • :

Ký ức một thời chiến trận, hào hoa

Năm 1967, Hà Nội thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tuyển quân huấn luyện, tổ chức hành quân vào miền Nam, giao quân bổ sung cho các đơn vị Quân Giải phóng. Từ năm 1967 đến 1974, Hà Nội đã đưa 42 tiểu đoàn quân tăng cường với gần 30.000 chiến sĩ vào chiến đấu ở miền Nam.

Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, có mặt trên khắp các chiến trường ác liệt, dũng cảm chiến đấu, lập công xuất sắc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ảnh minh họa. Ảnh: Tư liệu 

Sau năm 1975, phần đông cán bộ, chiến sĩ thuộc quân tăng cường Thủ đô Hà Nội được giải ngũ, trở về quê nhà sinh sống trên địa bàn Hà Nội. Năm 2010, Ban liên lạc (BLL) Hội cựu Quân tăng cường (QTC) Thủ đô Hà Nội được thành lập và ngày 1-8-1967 được lấy làm ngày truyền thống. Ngay từ khi mới thành lập, BLL Hội cựu QTC Thủ đô Hà Nội đã coi trọng công tác tuyên truyền, vận động các hội viên tham gia viết hồi ký, ghi lại những câu chuyện người thật, việc thật trong các trận đánh của người lính QTC tham gia và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều cựu QTC Thủ đô Hà Nội.

Đó là những câu chuyện chiến đấu đầy hy sinh, thách thức nhưng đậm chất hào hoa, rực rỡ chiến công được viết ra từ trái tim người lính và tổng hợp thành 5 tập sách “Ký ức chiến tranh”, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.

Tập 1 với 160 trang, được xuất bản năm 2011; tập 2 với 266 trang, xuất bản năm 2012; tập 3 với 247 trang, xuất bản năm 2015; tập 4 với 356 trang, xuất bản năm 2017 và tập 5 với 283 trang, xuất bản năm 2020. 5 tập sách gồm 194 bài viết của 95 tác giả là người trong cuộc. Họ là những nhân chứng sống của cuộc chiến. Những hồi tưởng, ký ức của người lính trận không câu nệ thể loại, bút pháp nghệ thuật nhưng đã truyền tải đến người đọc nhiều câu chuyện thấm đậm tình đồng đội, tinh thần chiến đấu quả cảm và từ đó toát lên niềm tự hào, sự hào hoa của những thanh niên Hà Nội thời chống Mỹ.

Đánh trận mà phong thái ung dung, phải chăng đó là nét riêng của người trai Hà thành. Người đọc nhận thấy sự lạc quan coi cái chết nhẹ tựa lông hồng ở trái tim Bộ đội Cụ Hồ nơi tuyến lửa giết thù, như lời của Đại tá Dương Văn Thực khi viết về chiến dịch Tây Nam Bến Cát (tỉnh Bình Dương, năm 1974) “... Tôi về hầm chỉ huy đại đội báo cáo về tiểu đoàn. Anh Lai-Tiểu đoàn trưởng reo lên nói yêu: “Thực đấy à, anh tưởng chú mày chết rồi”. Tôi cười, bảo: “Chưa, chưa chết, nhưng mà đêm nay anh cho trung đội vận tải chuyển gấp đạn cối và B40 cho em”.

Sách “Ký ức chiến tranh” ra đời và được bạn đọc, các cơ quan, đơn vị, trường học đón nhận. Riêng các tập 1 và 2 đã tái bản đến lần thứ ba cho thấy ấn phẩm có chỗ đứng trong cuộc sống hòa bình hôm nay. Hy vọng trong thời gian tới, các tập tiếp theo của “Ký ức chiến tranh” tiếp tục ra mắt bạn đọc với mong muốn để lại những sản phẩm văn hóa tinh thần góp phần vào công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

LÊ AN KHÁNH

Tags: Hà Nội
Lượt xem: 75
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết