• :
  • :

Còn ai nhớ tranh dân gian Kim Hoàng?

Thông qua cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng”, (Nhà xuất bản Thế giới, 2022), nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã giới thiệu nguồn gốc, thực trạng phát triển và trăn trở của các nghệ nhân trước việc dòng tranh đỏ này đang dần mai một, đứng trước nguy cơ thất truyền.

Nói đến dòng tranh dân gian Việt Nam, nhiều người sẽ nhớ ngay đến tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống mà ít ai biết tranh Kim Hoàng cũng là một dòng tranh nổi tiếng xứ kinh kỳ xưa.

Tranh Kim Hoàng có những chủ đề quen thuộc với đời sống người dân nông thôn và cũng có những thể loại tranh Tết, tranh thờ... đáp ứng được những nhu cầu đa dạng, từ trang hoàng nhà cửa nhân dịp Tết đến, Xuân về, cầu cho phúc lộc đầy nhà, cho đến xua đuổi tà ma, giữ nhà yên ấm.

Bìa cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng”

Trăn trở trước thực trạng tranh dân gian Kim Hoàng ngày càng mai một, ngay từ năm 2016, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các nhà sưu tầm tranh dân gian, các học sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử... tâm huyết triển khai “Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng”.

Mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa đã ra mắt cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” dày hơn 300 trang, do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, gồm 4 chương: Lịch sử tranh dân gian Kim Hoàng, dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng, chất liệu để sản xuất tranh Kim Hoàng, tranh dân gian Kim Hoàng.

Cuốn sách thể hiện cái nhìn tổng thể về nguồn gốc dòng tranh dân gian Kim Hoàng, cách in tranh truyền thống, những khó khăn khi bảo tồn và hướng phát triển dòng tranh này trong đời sống hiện đại. Đặc biệt, chương 4 tranh dân gian Kim Hoàng nêu rõ quy trình in-tô tranh, đề tài trong tranh, hiệu quả mỹ thuật của tranh, triển lãm và bán tranh, các hoạt động trải nghiệm với tranh, ứng dụng tranh dân gian Kim Hoàng trong đời sống hiện đại.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, tranh Kim Hoàng được tô hoặc in ở trên nền đỏ là chủ yếu. Thông qua cuốn sách của mình, tác giả cũng giúp người đọc phân biệt tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ. “Tôi mong rằng cuốn sách và dự án này sẽ truyền cảm hứng để mọi người hiểu hơn về dòng tranh đỏ và quan trọng nhất là khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo vệ di sản của người dân Kim Hoàng,” nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ.

Đánh giá về nội dung cuốn sách, TS Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho hay: “Cuốn sách "Tranh dân gian Kim Hoàng" ra đời là một minh chứng để khẳng định vị trí của dòng tranh này trong dòng chảy chung của tranh dân gian Việt Nam, góp phần đưa dòng tranh dân tộc đến gần hơn với cuộc sống mỗi người dân đất Việt. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, tranh Kim Hoàng dường như đứng trước một nguy cơ thất truyền. Và cuốn sách đã góp phần nỗ lực gìn giữ và bảo tồn dòng tranh đỏ này”.

Ông Phạm Trần Long, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới khẳng định: “Ngoài những nội dung về lịch sử tranh dân gian Kim Hoàng, kỹ thuật, đề tài... cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” còn nêu những định hướng mới cho dòng tranh đỏ để có thể tiệm cận hơn với kỹ thuật, mỹ thuật tranh dân gian các nước khác trên thế giới. Với các công trình của nhà nghiên cứu Thu Hòa về tranh dân gian từ năm 2015 đến nay, thể hiện qua 5 cuốn sách về tranh dân gian đã được xuất bản, có thể nói mọi tầng lớp nhân dân đã quan tâm, chú ý tới tranh dân gian Việt Nam. Hiện nay, đang có một phong trào của các bạn trẻ khoảng trên 20 tuổi, tìm hiểu kỹ thuật vẽ tranh và bán tranh dân gian. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong việc duy trì, bảo tồn và phát triển tranh Kim Hoàng nói riêng và tranh dân gian Việt Nam hiện đang đứng trước nguy cơ mai một”.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Lượt xem: 62
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết