• :
  • :

Sắc thái của tuyết

Những ngày tháng 11, tuyết "làm mưa, làm gió" ở nơi mình đang sống.Tuyết lững lờ như không trọng lượng, Tuyết hững hờ vì chẳng biết về đâu ...

Mùa đông ôn đới như một bản tình ca với đầy đủ các nốt thăng, trầm và du dương của tuyết. Nốt trầm là lúc tuyết rơi, dầm dề “nặng hạt”. Người ta còn gọi những lúc như thế này là "mưa rào" của tuyết. Nốt trầm là khi tuyết rơi trong nhiệt độ không đủ lạnh để trở thành bông, không đủ ấm để tan thành giọt, cho nên bị đặt tên là “hạt” tuyết ướt. Nốt trầm làm cả thế giới trong nó mù mịt có màu xám ngắt.

Sắc thái của tuyết
Cây thông đang "nhả khói"

Nốt thăng còn “khó nghe” hơn cả những nốt trầm. Đó là những lúc trời lạnh như xé nát cảnh vật, biến không gian thành những ngọn dao, những mũi kim, đâm vào da thịt. Tuyết lúc này ít khi rơi, có rơi thì cũng bị “cóng” thành bụi, đâu còn là bông để bay để lượn. Chẳng ai có thời gian và còn tâm trí để ngắm tuyết lúc này.

Ngắm tuyết, chỉ thấy đẹp khi nó đang hát những nốt du dương trong bản tình ca của mình. Gọi là tình ca vì tuyết rơi lúc này vô cùng gợi cảm, bằng thân hình mong manh, bằng màu trắng tinh khôi của nó... Tuyết còn rất đa dạng, hoa văn và góc cạnh của nó ví như vân tay của người ta, không có sự trùng lặp, mỗi bông một hình, một vẻ riêng biệt, lấp lánh khắp muôn nơi ... Nhìn tuyết lúc này ta có cảm giác như ngàn sao đêm qua rơi xuống đất mà sáng nay không bay được về trời.

Điểm dừng là khi đột nhiên tuyết không rơi nữa, trời quang đãng, khô cong, không một ngọn gió. Rừng lúc này vắng vẻ, chỉ có cây và tuyết đang im lặng. Tuyết trắng mênh mông như một giáo đường trầm mặc... Vào rừng lúc này ta như lạc vào những câu truyện cổ tích mùa đông châu Âu, đầy hương vị của lễ giáng sinh, của ngày đầu năm mới.

Mùa thu có khúc "lá đổ", vi diệu và huyền bí bao nhiêu, thì mùa đông cũng có khoảng "tuyết ngã" đặc sắc và không kém phần ly kì bấy nhiêu. Hãy nhớ! Ngã chứ không phải rơi đâu nhé! Tức là tuyết đã rơi, nay lại được rơi thêm một lần nữa, rơi khi tuyết đã ngừng rơi chính là hiện tượng tuyết “ngã”.

Kia kìa, phía kia có khói tỏa, tuyết đấy, tuyết rơi từ đỉnh một ngọn thông, trắng như một cột khói mọc lên ở giữa rừng... Khói mà không cần đến lửa thật là ngoạn mục! Đúng là ảo thuật của thiên nhiên!

Phút giây "tuyết ngã" của mùa đông cũng giống như những ngày "lá đổ" của mùa thu. Đứng trong "lá đổ" bạn phải nghe âm thanh để hưởng thụ. Còn lúc này đây, khi chiêm ngưỡng "tuyết ngã" bạn lại ngộ ra, im lặng chính là vẻ đẹp vĩnh hằng.

Đâu đó, một giọng nam cao ấm áp, vùi nỗi buồn vào tuyết trắng:

“Tuyết rơi cho người đẫm lệ

Tuyết rơi cho tình chơi vơi”...

Nguyễn Việt Dũng

Lượt xem: 6
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết