• :
  • :

Bóng quê hiện dưới chân cầu

Vượt khỏi những dòng người ken kín với hỗn tạp âm thanh và khói phả ra từ các loại động cơ, xe nhẹ nhàng lướt trên cầu. Cuối thu, cái lạnh dần đậm đà hơn. Gió từ sông Hồng thổi lên cầu Chương Dương càng khiến khuôn mặt, bàn tay cảm nhận sâu hơn vị rét.

Trên sông, sương mờ loang như khói, tựa chiếc khăn voan mỏng hững hờ che khuôn mặt thiếu nữ vẫn còn đang ngái ngủ. Phía bên kia, cầu Long Biên trầm mặc cùng những nhịp trăm năm nhuốm màu hoài niệm, mờ tỏ cùng sương.

Có lẽ vì sinh ra và lớn lên với đồng quê lam lũ nên mỗi sớm mai hoặc khi chiều xuống, cùng vòng bánh xe chầm chậm lăn trên cầu Chương Dương, Long Biên, trong tôi luôn có những rung động thật đặc biệt, bởi một bóng quê đang hiện dưới chân cầu.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Nếu chỉ chạy trên cầu và phóng tầm mắt xuống dải đất bãi đang ngày ngày được phù sa sông Hồng bồi lắng thì khó có thể thấy được cái giàu có nơi đây. Bước nhịp khoan thai trên những bậc thang cũ kỹ dẫn từ cầu Long Biên xuống, rồi cứ thế dọc ngang đất bãi, sẽ có cảm giác như được trở lại đồng đất quê mình.

Mùa này, ngô đang trổ cờ phất phơ cùng gió, bồng bềnh uốn lượn như những dải sóng nâu mềm mại. Chợt thèm cái cảm giác sung sướng khi vặt những bắp ngô mẩy hạt từ mảnh ruộng năm nào; nhớ tiếng cười vang của lũ trẻ khi có đứa bứt râu ngô gắn lên môi trên, rồi cong miệng khoe “bộ râu” dài; vị ngọt của thân ngô như vẫn đang đọng trên đầu lưỡi. Một thời gian khó, cây ngô vừa bẻ từ ruộng cũng đủ mang lại niềm vui cho con trẻ khi tước vỏ, ngấu nghiến nhai thay mía.

Dưới đất bãi bạt ngàn chuối. Chuối cao ngút đầu người, gối nhau trổ hoa, cho những buồng lúc lỉu. Những ngọn bí ngô trườn mình trên đất phù sa, gợi cái cảm giác ram ráp bàn tay khi tước tơ, vò lá. Sương đêm gom thành những giọt trong veo như thủy tinh, lăn tròn trên lá dọc mùng khi có bàn tay kéo nhẹ. Đồng quê có thứ gì thì trên đất bãi này hầu như đều có thứ đó, từ các loại rau đến cây ăn quả. Chẳng thế mà ngày ngày, điểm dừng chân quen thuộc của các bà, các chị khi đi qua cầu Long Biên là những đoạn cầu phình rộng về phía sông. Đó là nơi những sản vật của đất bãi được bày bán, nhiều nhất là chuối, rau, ngô, ổi và cả những mớ cá tươi rói đang tanh tách nhảy. Đắt hàng không chỉ bởi giá cả phải chăng mà còn vì những sản vật ấy tươi ngon chẳng khác nào vừa được đánh bắt, thu hái từ quê...

 Có lẽ không nhiều người biết rằng, dưới đất bãi kia có những người dân từ các tỉnh lân cận Hà Nội lên thuê đất trồng trọt. Cách đây vài năm, trong một lần dạo trên đất bãi, tôi ghé vào một căn nhà dựng tạm. Ban đầu, anh chủ nhà chỉ đứng tựa cửa nói với ra, ngại chia sẻ chuyện làm ăn, bởi theo anh, cuốc xới, trồng trọt có gì mà kể. Dần dà, biết tôi cùng tuổi nên anh xởi lởi hơn, mời vào nhà trò chuyện. Thì ra, ở đất bãi này, có những cặp vợ chồng phải để con ở lại quê nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc, rồi dắt díu nhau lên đây trồng trọt, mưu sinh. Ngày Tết vốn là dịp đoàn viên, nhưng có gia đình chỉ người vợ ngược về quê lo Tết, còn chồng ở lại chăm nom vườn tược, gia cầm. Lòng chợt bâng khuâng khi nghĩ đến những bóng người lẻ loi trong thời khắc Giao thừa về trên đất bãi... Bao đời nay, người nông dân vẫn thế, cần cù một nắng hai sương, chắt chiu, nhặt nhạnh, luôn nhận về mình những gian khó, nhọc nhằn để nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành.

Ngước về phía Bắc cầu Long Biên, giữa lòng sông có một doi đất nhỏ đã kịp lớn dần theo năm tháng. Doi đất mang hình của một con tàu lớn, hướng mũi về phía gầm cầu như thể đang muốn xuôi xuống hạ nguồn. Có lẽ, với dòng chảy của thời gian và dòng chảy Hồng hà, từ doi đất kia, một đồng quê mới sẽ lại hình thành, ngút ngàn xanh và sum suê cây trái

Tản văn của HOÀNG HÀ

Tags: Bóng quê
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết