Việc tang ở Mèo Vạc ngày càng văn minh
Huyện Mèo Vạc là một trong 74 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, với hơn 78% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Đời sống của người dân nơi đây còn tồn tại nhiều hủ tục, mê tín dị đoan, trong đó có hủ tục trong tổ chức tang ma. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hủ tục này đang dần được loại bỏ, hướng người dân xây dựng đời sống văn minh.
Từ xa xưa, theo phong tục của người Mông ở Mèo Vạc, khi gia đình có người thân qua đời phải tổ chức đám tang kéo dài 5-7 ngày; toàn bộ số trâu, bò được họ hàng dắt đến sẽ mang ra giết mổ cúng tế, thết đãi họ hàng. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám bà con nơi đây. Ngoài ra, việc để người chết ở giữa nhà trong một tuần mới đưa đi an táng, đến huyệt mới cho vào áo quan... cũng gây ra những hệ lụy về bệnh dịch, ô nhiễm môi trường.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang ngày 1-5-2022 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27), cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm xóa bỏ hủ tục trong đời sống người dân.
![]() |
Huyện Mèo Vạc tổ chức hội nghị học tập, trao đổi kinh nghiệm về xóa bỏ hủ tục trong tang ma. |
Đứng chân trên địa bàn xã biên giới Sơn Vĩ, có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều... những năm qua, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (BĐBP tỉnh Hà Giang) đã kiên trì, linh hoạt, sáng tạo phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống đồng bào. Trong đó, đơn vị tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền tại các phiên chợ, trường học, các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, sinh hoạt cộng đồng; tham mưu để cán bộ, đảng viên và nhân dân ký cam kết thực hiện các nội dung xóa bỏ hủ tục.
Thiếu tá Nông Quang Lập, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sơn Vĩ cho biết: “Mỗi khi nhận được thông tin gia đình người dân có đám tang, đơn vị đều cử cán bộ, chiến sĩ đến tận nơi để động viên, phúng viếng, kết hợp công tác tuyên truyền. Ngoài ra, đơn vị cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các mô hình điểm “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”. Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.
Những ngày cuối tháng 12-2024, khi nhận được thông tin vợ ông Sùng Mí Tủa, ở thôn Trà Mần, xã Sơn Vĩ không may qua đời, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ đã phối hợp với chính quyền địa phương có mặt tại gia đình ông Tủa để động viên, chia sẻ với mất mát của gia đình; đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình ông thực hiện nếp sống mới trong tổ chức đám tang theo tinh thần Nghị quyết 27 như: Tổ chức đám tang không quá 48 tiếng, không mổ nhiều gia súc, đưa thi hài người mất vào áo quan trước khi tổ chức lễ tang... Ông Sùng Mí Tủa chia sẻ: “Được Bộ đội Biên phòng và cán bộ xã đến tuyên truyền, giải thích, tôi và anh em trong dòng họ đã quyết định tổ chức đám tang cho vợ tôi theo nếp sống mới. Thấy bộ đội nói có lý, có tình thì mình phải làm theo thôi”.
Để công tác tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục trong tang ma của đồng bào đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng huyện Mèo Vạc yêu cầu cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số tiến hành ký cam kết với cơ quan, chi bộ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 27; đối với người dân, địa phương xây dựng, thành lập các mô hình, dòng họ ký cam kết thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh gắn với hương ước, quy ước của thôn; tổ chức các hội nghị học tập, trao đổi kinh nghiệm về xóa bỏ hủ tục... Đồng thời, địa phương đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; xây dựng chuyên đề giảng dạy cho học sinh về xóa bỏ hủ tục; đưa những nội dung cần cải tiến, cắt giảm, bài trừ vào quy ước, hương ước và quy chế hoạt động của hội nghệ nhân dân gian; coi trọng vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng dòng họ, người có uy tín và đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản...
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện Mèo Vạc đã tuyên truyền, vận động thành công hơn 230 trường hợp có người mất đưa thi hài vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ; 565 đám tang không để quá 48 giờ; 638 đám tang chỉ giết mổ một con gia súc... Bằng sự đa dạng hình thức và phong phú về nội dung tuyên truyền, phù hợp với thực tiễn và trình độ dân trí đồng bào ở Mèo Vạc, công tác tuyên truyền đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, động viên bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, nỗ lực phát triển kinh tế.
Bài và ảnh: HÀ LINH