Những nét vẽ nhớ về Bác Tôn
“Bác Tôn, người thợ Ba Son/ Trọn đời vì nước vì dân quên mình/ Tên người rực rỡ bình minh/ Biển đen bừng sáng, đượm tình năm châu”, đó là 4 câu thơ của tác giả Văn Long được em Lê Viết Anh Minh viết vào tựa đề giới thiệu tác phẩm tranh của mình trong Cuộc thi vẽ tranh “Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh với Bác Tôn” lần thứ 18, năm 2024, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh.
Với hai chủ đề “Bảo tàng Tôn Đức Thắng trong trái tim em” và “Người thợ Tôn Đức Thắng với xưởng Ba Son”, cuộc thi vẽ tranh giúp các bạn nhỏ gửi gắm lòng kính yêu, quý trọng của mình với Bác Tôn qua mỹ thuật, nhân kỷ niệm 136 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 / 20-8-2024). Ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho biết, đây là hoạt động thường niên của Bảo tàng, nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc để thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Ban giám khảo cuộc thi đánh giá các tác phẩm tranh dự thi |
Sau hơn một tháng phát động, cuộc thi nhận được 483 tác phẩm tranh dự thi cá nhân và tập thể, đến từ hơn 500 em thiếu nhi trong độ tuổi từ 5 đến 15 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang. Điểm nổi bật trong cuộc thi năm nay là thu hút sự tham gia của các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt. Em Nguyễn Hoàng Long, học sinh Trường Chuyên biệt Ánh Dương (TP Hồ Chí Minh), thí sinh đoạt giải nhất hạng mục dành cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, chia sẻ: “Tác phẩm của em mang tên “Bác Tôn yêu thiếu nhi” được vẽ bằng màu sáp. Em được thầy cô kể những mẩu chuyện hay về Bác Tôn, từ đó hình ảnh Bác Tôn hiện lên trong em thật gần gũi, giản dị, thân thương như một người ông, người cha trong gia đình đang vui chơi cùng con cháu”.
Tại cuộc thi, các họa sĩ nhí đã mang đến nhiều tác phẩm ý nghĩa, đạt yêu cầu về chất lượng trên các chất liệu như bột màu, màu sáp, màu nước, sơn dầu, acrylic... Bên cạnh đó, từ khả năng tự đọc, tự tìm hiểu cùng sự gợi ý, chỉ dẫn của người lớn, qua những tác phẩm, các thí sinh như đưa người xem lên một chuyến tàu ngược về quá khứ, tham quan những ngày tháng sống và làm việc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong thời gian Bác học tại Trường Cơ khí Á Châu (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng); làm công nhân tại Xưởng đóng tàu Ba Son; những ngày tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945; khi Bác Tôn ngồi đọc báo, cùng thiếu nhi làm gốm, quây quần chơi với các em nhỏ...
Chị Phan Yến Xuân, giáo viên môn Mỹ thuật, Trường Tiểu học Phạm Văn Chính (TP Thủ Đức), tâm sự: “Thông qua cuộc thi, bằng ngôn ngữ hội họa, các em thiếu nhi đã khắc họa hình ảnh Bác Tôn bằng chính cảm xúc, sự yêu mến, kính trọng của mình, từ đó hình tượng Bác Tôn đã trở nên thân thương, gần gũi, in đậm hơn trong trí nhớ và tình cảm của các em thí sinh, động viên các em cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ, Bác Tôn”.
Họa sĩ Phan Hữu Thiện, Trưởng ban giám khảo cuộc thi đánh giá: “Những bức vẽ của các cháu thiếu nhi về Chủ tịch Tôn Đức Thắng thể hiện tình cảm, tình yêu trong sáng có phần ngây thơ nhưng rất đáng yêu của các cháu về Bác Tôn. Ban giám khảo đặt ra các tiêu chí để chấm giải như: Vẽ đúng chủ đề của cuộc thi; bức tranh đạt bố cục thuận mắt, màu sắc phù hợp và có sự sáng tạo trong tư duy”.
Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG