• :
  • :

BookTok - Không gian mới kết nối sách với độc giả

Truyền thông mạng xã hội phát triển mạnh mẽ đã và đang tạo ra cơ hội, không gian mới cho sách thu hút độc giả, thúc đẩy văn hóa đọc tại Việt Nam. Các đơn vị xuất bản đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để quảng bá sách, kết nối với công chúng, nổi bật gần đây là trào lưu BookTok…

BookTok - Không gian mới kết nối sách với độc giả - ảnh 1

Kệ sách #BookTok xuất hiện tại cửa hàng của các đơn vị xuất bản

 Một thế hệ độc giả mới

BookTok là một cộng đồng trên ứng dụng TikTok, kết hợp niềm vui đọc sách truyền thống với cách quảng bá, chia sẻ hiện đại, hấp dẫn… BookTok đã vượt qua giới hạn của một nền tảng giải trí, trở thành phong trào văn hóa toàn cầu.

Một trong những tác động quan trọng nhất của BookTok là khả năng thu hút độc giả trẻ - những người vẫn thường tạo ra các video sáng tạo, giới thiệu về những cuốn sách, nhân vật, trích dẫn yêu thích của họ, truyền cảm hứng cho người khác cầm sách lên.

Tuy nhiên trên thực tế, ảnh hưởng của BookTok vượt xa việc khơi dậy hứng thú đọc sách, mà đã trở thành công cụ tiếp thị hiệu quả cho cả tác giả và nhà xuất bản. Nhiều cuốn sách đã có sự tăng trưởng đột biến doanh số sau khi trở nên phổ biến trên nền tảng, thường được gọi là “hiệu ứng BookTok”.

Các đơn vị phát hành truyền thống đang dần thích nghi với bối cảnh “đời sống số” bằng cách hợp tác với người có ảnh hưởng và tạo ra nội dung được thiết kế đặc biệt cho nền tảng.

Song hành với các hoạt động trực tuyến, TikTok cũng tích cực hợp tác với các đơn vị xuất bản để ra mắt hạng mục “Tủ sách Trending #BookTok” đặt tại các cửa hàng trực tiếp và website, qua đó góp phần gia tăng doanh số cho các đơn vị phát hành, đồng thời tạo điều kiện phát triển cho những tác giả mới.

Trong xu thế chung đó, BookTok Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây. Các TikToker không chỉ chia sẻ về sách mà còn tạo ra những nội dung sáng tạo, phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Điều này đã góp phần làm thay đổi thói quen đọc sách của giới trẻ. Nhiều người đã tìm thấy niềm vui trong việc đọc sách thông qua các video trên TikTok. Bên cạnh đó, các buổi livestream quảng bá sách cũng đã được tổ chức, người xem không chỉ được nghe giới thiệu về sách mà còn có cơ hội mua sách với giá ưu đãi, nhận được những phần quà hấp dẫn và tham gia vào các mini game thú vị.

Chẳng hạn, gần đây Thái Hà Book thường xuyên tổ chức các buổi livestream về sách trên nền tảng TikTok và đạt được kết quả tích cực. Đầu tháng 8, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sách Thái Hà và NSND Trần Lực đã thực hiện phiên livestream quảng bá sách, thu hút hơn 17.000 lượt xem và đạt doanh thu 55,5 triệu đồng.

Bà Phạm Thủy, Giám đốc Marketing của Thái Hà Books cho biết: Trước đó, đơn vị cùng ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT đã tổ chức phiên livestream, chỉ trong 2 giờ đã thu hút 68.000 lượt xem, với tổng số bán ra là 820 đơn hàng, đạt 190 triệu đồng.

Trước đó, một số đơn vị xuất bản như NXB Kim Đồng, NBX Trẻ, Alpha Books… cũng đã tận dụng nền tảng này để giới thiệu sách, tương tác trực tiếp với độc giả và thu được kết quả khả quan.

BookTok - Không gian mới kết nối sách với độc giả - ảnh 2

Các phiên livestream bán sách trên TikTok đã thu được kết quả khả quan

Mở ra cơ hội tiềm năng cho ngành Xuất bản

Truyền thông mạng xã hội phát triển đã trở thành công cụ hiệu quả giúp các tác giả và nhà xuất bản kết nối với độc giả.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghệ TikTok Việt Nam cho biết: “Văn hóa đọc đã được nói tới nhiều trong thời gian gần đây. Nhận thấy thú vui đọc sách rất có ích, 2 hastag là Tủ sách TikTok và BookTok đã được xây dựng và rất thành công, mỗi hastag thu hút vài chục tỉ lượt xem ở Việt Nam”.

Năm 2022, TikTok phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) tổ chức chương trình đào tạo cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, đồng thời hỗ trợ trực tiếp việc đưa sách lên nền tảng.

Sau 1,5 năm, lượng tiêu thụ từ TikTok đã chiếm khoảng 30% lượng sách giấy được mua bán ở thị trường trong nước. Khoảng 3-4 triệu đơn hàng được bán trên nền tảng này mỗi năm.

Đặt mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc cũng như mở ra cơ hội tiềm năng cho ngành Xuất bản, TikTok phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan, tổ chức như Hội Xuất bản Việt Nam; Sở TT&TT TP.HCM, các đơn vị xuất bản, phát hành… để tăng cường sáng kiến hữu ích, chung tay tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng tác giả, kết nối độc giả và gia tăng doanh số của ngành Xuất bản.

Tại Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết: Tính đến thời điểm đó, doanh thu bán sách qua TikTok đã lên tới trên 500 tỉ đồng, trong khi toàn bộ ngành Xuất bản bán sách trên tất cả nền tảng cũng chỉ được khoảng 4.000 tỉ đồng. Như vậy, riêng TikTok đã đạt được con số rất lớn và sắp tới có thể vượt lên trên Shoppee để trở thành nền tảng bán sách lớn nhất tại Việt Nam…

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: Lên không gian số, ngành Xuất bản có thể tối ưu hóa hoạt động sản xuất và phát hành sách. Dù chuyển đổi số có nhiều thách thức như bảo vệ bản quyền, kinh phí lớn và từng nhà xuất bản khó có thể tự xây dựng kênh của mình, nhưng việc đưa sách lên nền tảng thương mại điện tử có thể tận dụng đòn bẩy marketing với nhiều phương thức mới, đặc biệt là phối hợp với các KOL, KOC để quảng bá…

BookTok đã nổi lên như một yếu tố có sức ảnh hưởng không nhỏ, bằng cách tận dụng các tính năng độc đáo của nền tảng và kết nối với khán giả một cách đa dạng, các tác giả và nhà xuất bản đã có thêm kênh quảng bá tác phẩm một cách mạnh mẽ, từ đó nuôi dưỡng tình yêu sách và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. 

Lượt xem: 3
Nguồn:baovanhoa.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...