• :
  • :

Sức hút mạnh mẽ của nghệ thuật đồ họa

Đồ họa là một lĩnh vực nghệ thuật đa dạng, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống. Thành tựu của đồ họa phản ánh rõ nét trong việc cập nhật công nghệ và sáng tạo, làm nổi bật vai trò quan trọng của đồ họa trong bối cảnh xã hội đang không ngừng thay đổi. Với sự hấp dẫn và khả năng tiếp cận nhanh chóng với các xu hướng toàn cầu, ngành đồ họa đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của xã hội Việt Nam hiện đại.

Đồ họa gắn chặt với sự phát triển của xã hội

Trong quan niệm truyền thống, đồ họa là hình thức nghệ thuật tạo hình trên bề mặt hai chiều một cách gián tiếp thông qua kỹ thuật in ấn, tác phẩm đồ họa thường có nhiều bản sao. Để ứng dụng vào thực tế, đồ họa thường được sử dụng cho những mục đích về truyền thông, quảng cáo, kinh doanh... Khái niệm thiết kế đồ họa hình thành và phát triển trong thời kỳ công nghệ, đòi hỏi người theo đuổi lĩnh vực đồ họa ứng dụng cần sử dụng được những công cụ, thiết bị hiện đại và những phần mềm chuyên dụng. Hiện tại, khái niệm đồ họa là một lĩnh vực bao trùm khá rộng, liên quan đến sự sáng tạo của nghệ thuật tạo hình và cả việc xử lý hình ảnh.

Trong sự phát triển từ đồ họa truyền thống đến hiện đại, ở Việt Nam được phân chia dần ra nhiều loại khác nhau như: Đồ họa độc lập, đồ họa in ấn, đồ họa máy tính... Tuy nhiên, sự phân chia rõ ràng, thể hiện sự khác biệt rõ rệt nhất có thể kể đến có lẽ là quan điểm chia đồ họa làm hai nhóm: Đồ họa tạo hình và đồ họa ứng dụng. Đồ họa tạo hình là sự sáng tạo ra hình ảnh bằng tay (vẽ tranh, minh họa, khắc gỗ...), đồ họa ứng dụng là thiết kế đồ họa sử dụng phương tiện máy móc, ngày nay đa số dùng các phương tiện kỹ thuật số (thiết kế giao diện người dùng viết tắt là UI - User Interface, thiết kế trải nghiệm người dùng viết tắt là UX - User Experience, hoạt hình, đồ họa 3D...).

Đồ họa tạo hình (còn được gọi là đồ họa độc lập hay đồ họa giá vẽ) bao gồm các tác phẩm tranh in và tranh vẽ trên giấy mang giá trị mỹ thuật độc lập. Những tác phẩm đồ họa tạo hình thường được trưng bày tại các triển lãm mỹ thuật... Nghệ thuật đồ họa tạo hình thường được thực hiện bằng chì, than, mực, màu nước, phấn màu... hoặc được in trên giấy bằng các kỹ thuật như khắc gỗ, khắc kim loại, in đá, in lưới hoặc in kỹ thuật số... Đây là những tác phẩm do các họa sĩ sáng tạo với các ngôn ngữ và ý tưởng độc lập, là một phương tiện để thể hiện tâm tư, tình cảm, nhân sinh quan, thế giới quan của con người.

Đồ họa ứng dụng thường gọi là thiết kế đồ họa trong mỹ thuật ứng dụng. Đây là một hình thức nghệ thuật ứng dụng, sử dụng hình ảnh, chữ viết, màu sắc, đường nét để thể hiện ý tưởng một cách sáng tạo nhằm truyền đạt thông tin qua các ấn phẩm in ấn và trực tuyến, để truyền tải thông điệp qua thị giác. Đồ họa ứng dụng chủ yếu bao gồm các sản phẩm mỹ thuật được sản xuất hàng loạt bằng quy trình công nghiệp, nhằm phổ cập rộng rãi vào đời sống, bao gồm các thể loại như minh họa, biếm họa, tranh cổ động chính trị-xã hội, trình bày sách, tem thư, thiết kế logo, bao bì, nhãn hiệu...

Công chúng tham quan tác phẩm đồ họa tại Triển lãm nghệ thuật quốc tế Trung Quốc-Việt Nam về thẩm mỹ phương Đông-phương Tây, tháng 4-2024. Ảnh: AN LINH 

Trước khi có sự phát triển của đồ họa hiện đại đã có các hình thức đồ họa truyền thống của Việt Nam như: Tranh khắc gỗ dân gian, tranh thờ, các hình vẽ trên kiến trúc cổ, hoa văn trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh làng Sình... là những loại tranh dân gian nổi tiếng phản ánh cuộc sống hàng ngày, phong tục tập quán và các truyền thuyết dân gian. Các bức tranh thờ xuất hiện trong các đền chùa, miếu mạo với hình ảnh của các vị thần, thánh và các biểu tượng tâm linh. Những hoa văn, hình ảnh mô tả các câu chuyện lịch sử và thần thoại, thường được vẽ trang trí trên các di tích lịch sử và đền chùa. Những họa tiết như sóng nước, mây trời, hoa lá, động vật thường xuất hiện trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải vóc và đồ gốm. Sự biểu hiện của đồ họa cổ thường mang tính chất văn hóa và nghệ thuật, phản ánh các chủ đề dân gian và tôn giáo.

Trong thời kỳ kháng chiến, đồ họa ở Việt Nam tập trung vào các biểu ngữ tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, nổi bật là tranh cổ động. Từ khi đất nước đổi mới năm 1986, ngành đồ họa Việt Nam bắt đầu thay đổi mạnh mẽ. Các nghệ sĩ và nhà thiết kế Việt Nam tiên tiến, bắt đầu tiếp cận với các công nghệ mới, trong sáng tác đồ họa tạo hình và phương pháp thiết kế hiện đại. Phần mềm thiết kế đồ họa và công nghệ số bắt đầu được áp dụng trong các lĩnh vực quảng cáo, truyền thông và in ấn. Đồ họa số dần nở rộ vào đầu những năm 2000. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và truyền thông đã làm thay đổi sâu sắc ngành đồ họa ở Việt Nam.

Đồ họa tạo hình, đặc biệt là thể loại tranh in khắc, đã có những bước chuyển mình đáng kể về hình thức. Từ những hình thức chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp khắc gỗ và khắc thạch cao với khuôn khổ nhỏ, sự phát triển đáng kể đã dần gia tăng số lượng tranh khắc đồng, khắc kẽm và tranh in đá. Đặc biệt, các kỹ thuật mới như in lõm cảm quang (như in lụa) và kỹ thuật in tổng hợp đã được áp dụng (như in offset, in flexo, kỹ thuật số), mang lại sự đổi mới và đa dạng cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các kỹ thuật chất liệu ứng biến từ loại hình khác vào loại hình nghệ thuật đồ họa cũng được nhiều họa sĩ đồ họa thực hành sáng tạo như tranh trúc chỉ; ứng dụng các phương tiện, kỹ thuật mới trên các chất liệu đồ họa sẵn có: Lithograph trên bản nhôm (in gián tiếp), gum print (một thủ pháp đồ họa được phát triển từ công nghệ in lụa), collagraph (in lõm đắp nổi), độc bản đồ nét... Sự xuất hiện của các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp, công nghệ in ấn tiên tiến và các nền tảng truyền thông xã hội đã mở ra nhiều cơ hội mới cho đồ họa ứng dụng, đặc biệt là thiết kế đồ họa. Song hành với các xu hướng hiện tại, ngành đồ họa ở Việt Nam đang tiếp tục phát triển với sự ảnh hưởng của các xu hướng thiết kế toàn cầu như thiết kế UX/UI, thiết kế 3D, thực tế ảo (VR). Các cuộc thi thiết kế, triển lãm nghệ thuật, sự kiện quốc tế đã giúp đưa các nhà thiết kế Việt Nam ra thế giới và nâng cao chất lượng ngành đồ họa trong nước.

Tiềm năng đầy hứa hẹn

Đồ họa cung cấp một không gian rộng lớn cho sự sáng tạo, cho phép nghệ sĩ thể hiện ý tưởng, cảm xúc và quan điểm của mình qua ngôn ngữ chấm, nét, mảng, hình ảnh, màu sắc và kiểu chữ. Sự phát triển liên tục của công nghệ phần mềm và thiết bị đồ họa mở ra nhiều khả năng mới cho các nghệ sĩ, giúp họ thực hiện các ý tưởng phức tạp và tinh xảo mà trước đây khó thực hiện được. Đồ họa mang tính ứng dụng cao, có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như quảng cáo, truyền thông, thiết kế sản phẩm và truyền thông xã hội.

Đồ họa có khả năng truyền tải thông điệp một cách nhanh chóng và hiệu quả qua hình ảnh và thiết kế. Từ những hình thức, kỹ thuật thể hiện trong đồ họa tạo hình hay minh họa, biếm họa đến thiết kế logo, bao bì, ấn phẩm quảng cáo, cung cấp cho người thưởng thức nhiều lựa chọn và trải nghiệm. Đồ họa không chỉ truyền đạt thông tin mà còn kích thích cảm xúc và thị giác, tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc. Những tác phẩm đồ họa đẹp, tinh xảo có thể gây cảm hứng và tạo sự kết nối sâu sắc với người xem. Trong thế giới số ngày nay, đồ họa không chỉ là hình ảnh tĩnh mà còn có thể tương tác được. Người thưởng thức có thể tương tác với đồ họa qua các ứng dụng, website và trải nghiệm số, tạo ra một mối liên kết trực tiếp và cá nhân hóa.

Sự sáng tạo của các họa sĩ Việt Nam gần đây thường kết hợp các yếu tố văn hóa truyền thống với xu hướng hiện đại, tạo ra những sản phẩm độc đáo. Lực lượng hoạt động ngành đồ họa Việt Nam cũng chủ động tiếp thu và áp dụng các công nghệ mới như đồ họa 3D, in ấn kỹ thuật số, thiết kế tương tác, giúp nâng cao chất lượng và khả năng sáng tạo của các tác phẩm. Các sản phẩm đồ họa, từ thiết kế bao bì, quảng cáo đến các triển lãm nghệ thuật, không chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mà còn góp phần tạo ra giá trị văn hóa cho xã hội. Quan sát từ các triển lãm cho thấy, đồ họa tạo hình phát triển khá mạnh, để lại dấu ấn ở nhiều loại chất liệu đa dạng. Các cuộc giao lưu kỹ thuật đồ họa tạo hình và triển lãm tác phẩm của các nghệ sĩ từ Mỹ, Anh, Hà Lan, Trung Quốc... đã giúp nâng cao sự tiếp xúc với các xu hướng quốc tế. Đồng thời, Hội Mỹ thuật Việt Nam và một số họa sĩ Việt Nam đã đưa các tác phẩm đồ họa của mình đến triển lãm tại các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... Những hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế này đã tạo điều kiện thuận lợi để nghệ thuật đồ họa Việt Nam phát triển và đạt được những thành tựu mới.

Đồ họa ứng dụng đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc gia tăng giá trị hàng hóa và thúc đẩy cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Các cuộc thi thiết kế đồ họa, bao gồm logo, nhận diện thương hiệu, thiết kế tem bưu chính, tranh cổ động, biếm họa, minh họa sách-truyện, được tổ chức thường xuyên và đã trở thành những sự kiện văn hóa nổi bật. Hiện nay, đồ họa ứng dụng ở Việt Nam đang có triển vọng lớn nhờ vào sự phát triển của môi trường kinh tế-xã hội. Tiềm năng công nghệ ngày càng được cải thiện, đặc biệt là nhờ vào sự đóng góp của các họa sĩ thiết kế trong việc tiếp thu có chọn lọc các thành tựu của thế giới.

PGS, TS QUÁCH THỊ NGỌC AN - TS PHẠM PHƯƠNG LINH

Tags: đồ họa
Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết