Sự thật gây sốc: Một quốc gia Đông Nam Á không cho phép ly hôn, nhiều cặp đôi mắc kẹt trong những gia đình "địa ngục"
Philippines hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới ngoài Vantican cho rằng ly hôn là bất hợp pháp.
Ánh sáng nơi cuối đường hầm
Ngay từ giây phút người chồng bước qua cánh vừa vào buổi tối một ngày giữa năm 2023, Jessica đã chuẩn bị tinh thần cho người tồi tệ nhất. Người chồng vừa trở về nhà sau cuộc nhậu với bạn bè, điều mà anh ta vẫn làm như một thói quen suốt 15 năm chung sống. Sau đó, ma men khiến anh ta làm tổn thương vợ mình và phá nát ngôi nhà vốn chẳng còn gì lành lặn của họ ở một thị trấn nhỏ ven biển của Philippines mà chẳng vì lý do nào cả.
Đêm đó cũng không ngoại lệ. Chồng Jessica đã nổi cơn thịnh nộ vì say rượu mà cô chẳng còn nhớ nổi lý do. Sau đó, anh ta túm tóc và đập đầu vợ vào tường.
Không giống như những lần trước đây, lần này, cô con gái 12 tuổi của họ đã bước ra khỏi phòng và can thiệp.
“Đừng đánh mẹ nữa”, cô bé hét lên và đe dọa sẽ đốt nhà nếu bố tiếp tục đánh mẹ. Jessica không phải tên thật của người phụ nữ. Cô từ chối nêu danh vì lo sợ cho sự an toàn của bản thân và các con.
Khoảnh khắc đó đã thắp lên sự dũng cảm của người mẹ 33 tuổi. Sáng hôm sau, khi người chồng vẫn đang ngủ mê mệt sau cơn say, cô và 2 con gái đã lẻn khỏi nhà, đi chuyến xe buýt kéo dài 12 giờ tới thủ đô Manila. Dù đã trốn đến một thành phố xa lạ nhưng Jessica vẫn không thể thoát khỏi ám ảnh từ người chồng, người mà cô chẳng thể kiện mà cũng không thể ly hôn.
Ở nhiều quốc gia, bạo hành gia đình sẽ trở thành cơ sở pháp lý để đệ đơn xin ly hôn và giành quyền nuôi con. Tuy nhiên, Philippines hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới ngoài Vatican coi ly hôn là bất hợp pháp.
Điều đó có nghĩa là ngay cả khi bà Jessica khởi kiện và buộc chồng phải ngồi tù nhiều năm vì bạo lực gia đình và đe dọa giết người, cô vẫn cứ là vợ hợp pháp của người đàn ông đó.
Thế nhưng, những trường hợp như của Jessica sắp có lối thoát. Những cặp vợ chồng sống dưới các mái nhà "địa ngục" có thể sắp được giải thoát.
Hôm 22/5, Hạ viện Philippines đã thông qua đạo luật cho phép ly hôn và hiện nó đã được chuyển tới Thượng viện, nơi ngày càng nhiều nhà lập pháp ủng hộ quyền ly hôn của người dân, xem xét. Nếu Thượng viện thông qua, việc ly hôn sẽ trở thành hợp pháp tại Philippines.
Ít nhất 5 trong số 24 thành viên của Thượng viện Philippines đã lên tiếng ủng hộ dự luật và tiếp tục vận động thêm lá phiếu.
Hạ nghị sĩ Edcel Lagman, tác giả chính của dự luật, nói rằng những gì đang đạt được hiện nay là bước tiến xa nhất của nỗ lực pháp lý nhằm hợp thức hóa việc ly hôn. Năm 2018, dự luật cho phép ly hôn cũng đã được Hạ viện thông qua nhưng thậm chí còn không được Thượng viện đưa vào danh sách các dự luật ưu tiên thảo luận.
Nhưng lần này, ông Lagman cho biết có một số Thượng nghị sĩ tuyên bố sẽ ủng hộ và thúc đẩy dự luật. Tổng thống Philippines, ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr, cũng là một trong những người ủng hộ. Khi nhậm chức năm 2022, ông Marcos đã nói rằng có nhiều trường hợp cần phải ly hôn.
“Tôi lạc quan rằng trước khi kết thúc nhiệm kỳ của quốc hội đương nhiệm vào năm 2024, chúng ta sẽ cùng cộng đồng hợp pháp hóa việc ly hôn”, Hạ nghị sĩ Lagman cho biết.
Thế nhưng, nỗ lực hợp pháp hóa việc ly hôn ở Philippines, nơi có 78% trong số 115 triệu dân là người theo Công giáo La Mã, sẽ không dễ dàng. Trở ngại của dự luật này là các chức sắc tôn giáo và chính trị gia phản đối ly hôn, những người đã và đang vận động mạnh mẽ để ngăn cản hợp pháp hóa ly hôn.
Quá trình pháp lý phức tạp
Philippines đã cấm ly hôn kể từ thế kỷ 16 khi vẫn còn nằm dưới sự cai trị của thực dân Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khi Mỹ nắm quyền ở quốc đảo này năm 1898, ly hôn dựa trên hành vi sai trái đã được công nhận. Sau đó, ly hôn lại trở thành bất hợp pháp vào năm 1950, 4 năm sau khi Philippines giành được độc lập. Điều khoản hợp pháp hóa ly hôn đã bị loại khỏi bộ luật Dân sự của nước này.
Tuy nhiên, vào năm 1977, Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Sr. đã ban hành sắc lệnh của Tổng thống về Luật cá nhân của người Hồi giáo, trong đó hợp pháp hóa việc ly hôn với những người theo đạo Hồi ở Philippines. Dẫu vậy, với phần còn lại của đất nước, ly hôn vẫn nằm ngoài tầm với.
Con đường duy nhất để các cặp vợ chồng không theo đạo Hồi chấm dứt cuộc hôn nhân của mình là đề nghị cơ quan chức năng tuyên nó “vô hiệu”. Tuy nhiên, để làm được điều đó, họ cần chứng minh rằng cuộc hôn nhân này ngay từ đầu đã không có giá trị pháp lý.
Thông thường, các quan chức chỉ tuyên bố hôn nhân vô hiệu đối với các trường hợp kết hôn với trẻ vị thành niên mà không được sự chấp thuận của cha mẹ, quan hệ loạn luân hoặc hôn nhân không được cử hành bởi những người có thầm quyền. Ngoài ra, hôn nhân mà một bên đã kết hôn hoặc “mất năng lực tâm lý”, dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ hôn nhân, cũng không có giá trị.
Lạm dụng thể xác, ngoại tình và bỏ rơi không phải căn cứ để hủy bỏ hôn nhân.
Trong trường hợp này, một trong 2 bên có thể yêu cầu ly thân hợp pháp. Thế nhưng, về mặt lý thuyết, họ vẫn đang trong mối quan hệ vợ chồng với kẻ bạo hành dù họ có thể sống độc lập với nhau.
Trong cả trường hợp hủy hôn và ly thân hợp pháp, các vấn đề như quyền nuôi con, cấp dưỡng nuôi con và phân chia tài sản đều do Tòa án quyết định.
Cheryl Estoya, 36 tuổi, đã cố gắng nộp đơn xin ly thân hợp pháp với người chồng ngoại tình của mình để có thể nhận tiền cấp dưỡng nuôi 2 con gái. Tuy nhiên, các luật sư nói rằng vị thế của cô không tốt. Cần tìm ra bằng chứng về nơi chồng và nhân tình của anh ta sống. Nếu họ có con chung, đó sẽ là bằng chứng có lợi.
Cuối cùng, Estoya quyết định không khởi kiện chồng mình vì điều đó có thể khơi lại những vết thương cũ và tạo ra những vết thương mới khi cố gắng tìm kiếm bằng chứng về sự không chung thủy của chồng. Ngay cả khi chấp nhận những điều đó, về mặt pháp lý, cô vẫn là vợ của anh ta. Do đó, cô sẽ cần chữ ký của chồng trong các việc liên quan tới tài sản như mở công ty hay mua bất động sản.
“Làm sao mà tôi có thể làm được những điều đó khi mà tôi thậm chí còn chẳng biết anh ta ở đâu”, Estoya nói.
Trong khi đó, việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu là một quá trình kéo dài và cực kỳ tốn kém vì nó đòi hỏi phải chứng minh rằng cuộc hôn nhân từ nhiều năm về trước vốn không hợp lệ ngay từ đầu. Cơ hội thành công thực sự rất nhỏ.
Stella Sebonga, 47 tuổi, đã chi tới 5.200 USD chi phí pháp lý và hành chính để hủy bỏ cuộc hôn nhân của mình với người chồng bạo hành và phản bội, người chưa bao giờ hỗ trợ tài chính cho 3 đứa con của họ.
Bởi vì sự phản bội và bỏ rơi gia đình không được coi là căn cứ để hủy hôn nên bà Sebonga đã phải mất 12 năm với hàng chục phiên tòa để chứng minh rằng người chồng quá thiểu năng tâm lý để thực hiện nghĩa vụ hôn nhân. Bà cũng cần chứng minh rằng vấn đề này bắt nguồn từ xa xưa, khi họ kết hôn vào 29 năm trước.
Thế nhưng, đề nghị của bà Sebonga cuối cùng vẫn bị tòa bác bỏ. Bà có thể kháng cáo nhưng đã không còn tiền hay sức lực để tiếp tục.
“Các con tôi được yêu cầu làm chứng chống lại bố chúng trước tòa và điều đó thật khó khăn với chúng”, bà Sebonga nói và cho rằng, tội phạm còn có thể được ân xá nhưng những người mắc kẹt trong mối quan hệ hôn nhân địa ngục chẳng có cách nào thoát ra.
Dự luật đang được xem xét thông qua của Philippines mở rộng các điều kiện cho phép chấm dứt hôn nhân. Một trong các điều khoản bổ sung là bạo lực thể xác với người nộp đơn hoặc con của họ, buộc họ phải tham gia hoạt động mai dâm, ngoại tình, bỏ rơi hoặc các căn cứ khác mà hiện chỉ cho phép các cặp đôi ly thân.
Trong khi đó, dư luận Philippines cũng đang ngày càng ủng hộ việc hợp pháp hóa ly hôn ở nước này. Một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Social Weather Stations thực hiện vào tháng 3 cho thấy 50% người Philippines trưởng thành ủng hộ dự luật, 31% phản đối trong khi phần còn lại chưa quyết định.
Vào tháng 5/2005, khi thực hiện nghiên cứu đầu tiên, chỉ 43% những người được khảo sát cho rằng người Philippines nên được phép ly hôn trong khi 45% tin rằng việc này vẫn nên tiếp tục bị cấm.
Linh Anh