Coi trọng tính chuyên nghiệp và chất lượng sáng tạo ảnh nghệ thuật
Theo định kỳ hai năm/lần, Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.
Cuộc thi là dịp để tập hợp lực lượng sáng tác nhiếp ảnh trong cả nước, giới thiệu đến công chúng các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật xuất sắc, đồng thời giúp cơ quan quản lý và ngành nhiếp ảnh có cái nhìn khái quát, đánh giá đúng thực trạng về giới nhiếp ảnh Việt Nam, những vấn đề về sáng tác ảnh trong thời gian vừa qua và tìm ra hướng phát triển cho nhiếp ảnh Việt Nam thời gian tới.
Quy tụ những tài năng nhiếp ảnh
Ở Việt Nam hiện nay, nhiếp ảnh đã và đang phát triển nhanh, có tính phổ cập rộng rãi và tác động trực tiếp, mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Ngày càng có nhiều tay máy đầu tư nhiều thời gian và công sức tìm tòi, sáng tác những tác phẩm có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật. Việc tổ chức Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam định kỳ những năm qua tạo ra hoạt động nghề nghiệp lành mạnh, kích thích sáng tạo; vừa phù hợp với tâm lý và nhu cầu sáng tác, công bố tác phẩm của giới nhiếp ảnh, vừa mang tính định hướng cho những sáng tác; đồng thời phục vụ nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật của công chúng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.
Bộ ảnh “Sắc màu thành phố trên Biển Đông” giành huy chương vàng thể loại ảnh hiện thực. Ảnh: TRẦN NGỌC THỊNH |
Trải qua nhiều lần tổ chức, Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam đã trở thành thương hiệu uy tín, thu hút rất nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên trong cả nước. Năm 2024, Ban tổ chức đã nhận được 9.500 tác phẩm của 1.373 tác giả trong cả nước gửi tới tham dự. Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 250 tác phẩm của 194 tác giả để triển lãm, trong đó có 33 tác phẩm xuất sắc được trao giải, gồm: 3 huy chương vàng, 6 huy chương bạc, 8 huy chương đồng và 15 giải khuyến khích cho hai thể loại hiện thực và ý tưởng; 1 tác phẩm được trao giải tác phẩm xuất sắc về Huế.
Việc trưng bày các tác phẩm tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) và tòa nhà số 15 Lê Lợi (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng với triển lãm trực tuyến góp phần quảng bá rộng rãi các tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đến với công chúng. Chỉ riêng trong 10 ngày tổ chức trưng bày ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã thu hút hàng vạn lượt khách tham quan.
Trong một cuộc thi sáng tạo nghệ thuật, điều cốt yếu vẫn là chất lượng tác phẩm. Các tác phẩm được lựa chọn để trưng bày trong Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2024 đã nắm bắt được hơi thở của cuộc sống, phản ánh chân thực và sinh động những vấn đề đương đại. Vẻ đẹp con người, nét độc đáo về văn hóa, sự hùng vĩ cũng như thơ mộng của phong cảnh... thể hiện rõ trong thể loại ảnh hiện thực. Nét đẹp lao động, công tác để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng được phản ánh sinh động. Theo thể lệ, các tác phẩm ảnh hiện thực chỉ được sáng tác trong hai năm trở lại đây, công chúng có thể hình dung về hình ảnh đất nước Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19, tiếp tục quá trình phát triển, hội nhập qua những góc máy chân thực, sống động, phong phú. Về thể loại ảnh ý tưởng, các tác giả bắt đầu có sự chuyển động tích cực trong tìm tòi thể hiện, góp phần làm phong phú thêm những sáng tác nhiếp ảnh phù hợp với xu hướng đương đại.
Một trong số những điểm nhấn của Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2024 là các tay máy trẻ và các tác giả nữ đã tham gia dự thi nhiều hơn so với những kỳ thi trước. Đáng mừng hơn là những tay máy trẻ và tác giả nữ đã giành được những giải thưởng cao như: “Sắc màu thành phố trên Biển Đông” (Trần Ngọc Thịnh), “Hải Phòng những đêm không ngủ” (Vũ Văn Lâm), “Lối sống hiện đại” (Lê Tuấn Anh), “Tái hiện nghi thức đổi gác ở kinh đô Huế” (Lê Đình Hoàng), “Các cụ cựu chiến binh Điện Biên năm xưa gặp nhau trên đồi A1” (Dương Thị Anh), “Nét xẩm xưa” (Nguyễn Thị Lý Giang), “Hà Nội-thành phố xinh đẹp và hiện đại” (Trần Thu Hà)....
Cuộc thi lần này có sự gia tăng đáng kể trong thể loại ảnh bộ, với 906 tác phẩm dự thi, 73 bộ ảnh được chọn trưng bày, trong đó có 19 bộ (trên tổng số 33 tác phẩm) được trao giải thưởng. Đây là những con số ấn tượng, cho thấy các tác giả đã tập trung sáng tác “dài hơi” hơn, dám thử thách và thể nghiệm bản thân qua việc kể những câu chuyện có nội dung, trình tự, lớp lang.
Ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2024, cho biết: “Cuộc thi đã nhận được sự tham gia của đông đảo các nhà nhiếp ảnh trong cả nước với những tìm tòi, sáng tạo mới. Ban tổ chức ghi nhận sự dấn thân của các nhà nhiếp ảnh, đặc biệt là các tay máy trẻ, với xu hướng sáng tác hướng ống kính vào cuộc sống. Nhiều bộ ảnh được thực hiện rất tốt, có câu chuyện cụ thể, kết cấu chặt chẽ”.
Tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng sáng tạo
Bên cạnh những ưu điểm dễ thấy, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận một số vấn đề chưa được như kỳ vọng. Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2024 chưa có tác phẩm xuất sắc nổi trội. Một số tác giả vẫn chưa tìm tòi, chưa đổi mới tư duy sáng tạo, việc phản ánh đời sống để kết tinh bằng nghệ thuật còn đơn giản. Ảnh ý niệm vẫn chưa nhiều đột phá. Chưa có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác theo phương pháp đương đại, coi nhiếp ảnh là nghệ thuật thị giác để có thể pha trộn với các loại hình khác như sắp đặt, hội họa...
Việc tổ chức Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam thêm một lần nữa là dịp để những cơ quan liên quan thấy rõ thực trạng, mạnh dạn có những hành động đổi mới, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng sáng tạo ảnh nghệ thuật. Từ thực tiễn hoạt động và phát triển của lĩnh vực nhiếp ảnh, kế thừa kinh nghiệm của các lần tổ chức trước đây và ý kiến của các nhà nhiếp ảnh, giới chuyên môn, báo chí, trong những năm qua, Ban tổ chức đã có nhiều điều chỉnh để ngày càng nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp và chất lượng sáng tạo.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp chỉ có thể khuyến khích, hỗ trợ chứ không thể sáng tác thay các tay máy. Yếu tố tiên quyết cho sự tiến bộ về chất lượng nghệ thuật nằm ở bản thân cá nhân nghệ sĩ nhiếp ảnh. Hiện nay, quan điểm về ảnh nghệ thuật ở Việt Nam đã thay đổi cùng với sự tiếp cận và bắt nhịp cùng các xu hướng, trường phái của nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới với sự lớn mạnh của lực lượng sáng tác, sự đa dạng của các trào lưu, trường phái sáng tạo. Mặt khác, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội và khoa học-kỹ thuật thì việc học hỏi về nhiếp ảnh càng trở nên quan trọng hơn đối với các tay máy. Tri thức, sự hiểu biết, sự tinh thông về nghề nghiệp là nền tảng quan trọng để có được một đời sống nhiếp ảnh đầy nội lực. Chính vì thế, tự thân các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhất là những người trẻ nhất thiết phải nâng cao tư duy sáng tạo, dấn thân với nghề nghiệp đam mê. Nghệ sĩ nhiếp ảnh phải được đào tạo dưới nhiều hình thức, có học vấn và tri thức cần thiết cho nghề nghiệp. Có nền tảng tri thức và lý tưởng sáng tạo, các tài năng sẽ tự tìm được con đường sáng tạo độc đáo, tạo ra được phong cách nhiếp ảnh cá nhân không thể trộn lẫn.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh muốn có tác phẩm chất lượng phải dành nhiều thời gian, sự dấn thân có tính lý tưởng, thể hiện khát vọng sáng tạo và biết cách hiện thực hóa ước mơ. Để có được những tác phẩm lớn, nghệ sĩ nhiếp ảnh cần tìm tòi, đi sâu vào đời sống nhân dân, tìm được chất xúc tác cho cảm hứng nhằm vươn tới mục tiêu nghệ thuật giàu chất dân tộc, mang tính thẩm mỹ và tính nhân văn. Hy vọng rằng, mọi thử thách, khó khăn trong quá trình sáng tác, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đều có thể khắc phục để góp phần mang lại những giá trị thẩm mỹ tích cực cho xã hội thông qua những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị.
HÀM ĐAN