• :
  • :

Yếu tố mới góp phần lan tỏa giá trị dân ca quan họ

Cách nay 15 năm, dân ca quan họ chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca quan họ là “đặc sản” ca hát dân gian của vùng Kinh Bắc gắn với hai địa phương Bắc Ninh và Bắc Giang.

Có thể nói, những câu ca quan họ như một “thủ lĩnh tâm hồn”, chi phối mạnh mẽ đến cộng đồng làng xã và đời sống người dân vùng Kinh Bắc. Không chỉ vậy, những bài dân ca cổ truyền, những ca khúc mới khai thác chất quan họ từ nhiều năm qua đã trở nên quen thuộc với người yêu âm nhạc cả nước.

Âm hưởng truyền thống trong sáng tác mới

Một ngày đầu tháng 10-2024, chúng tôi đón tiếp khách phương Nam. Các anh chị muốn một không gian thật Hà Nội và có âm thanh để hát giao lưu. Điều bất ngờ, một vị khách hát tặng chúng tôi ca khúc “Một khúc dân ca, một câu quan họ”. Đây là sáng tác của nhạc sĩ Duy Thái kể câu chuyện chàng trai phương Nam có tình cảm với cô gái vùng quan họ. Sinh ra và lớn lên ở Kinh Bắc, sống trong những câu quan họ, yêu những bài hát mới về quan họ mà nói thật trước đó tôi không biết đến bài này. Thú vị là người truyền bá cho tôi lại là một vị khách đến từ phương Nam xa xôi.

Hai ca sĩ trẻ Phan Thanh Cường và Minh Ngọc thể hiện ca khúc “Mong ngày tương phùng” khai thác chất liệu dân ca quan họ. Ảnh: A BẢO 

Tôi đáp lại bằng một câu hát quen “Gửi về quan họ” của nhạc sĩ Đức Miêng và ngẫm ra một điều, có những thứ bản thân tưởng biết nhiều về nó, hóa ra không hẳn vậy. Có thể còn có những ca khúc quan họ được nhiều người yêu thích mà tôi chưa biết đến. Nhìn vào lịch sử, bên cạnh gìn giữ vốn liếng cổ truyền thì khai thác chất liệu quan họ vào ca khúc mới cũng đã xuất hiện rất sớm trong âm nhạc mới Việt Nam, và từ lâu đã quen thuộc với công chúng cả nước. Cách đây 68 năm, năm 1966, nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác ca khúc “Những cô gái quan họ”. Năm 1989, nhạc sĩ Trần Hoàn viết “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, trong đó đó có đoạn ca từ “Bác muốn nghe một đôi làn quan họ...” rất xúc động. Rồi duyên thơ nhạc để có những “Tình yêu bên dòng sông quan họ” (thơ Đỗ Trung Lai, nhạc Phan Lạc Hoa), “Làng quan họ quê tôi” (thơ Nguyễn Phan Hách, nhạc Nguyễn Trọng Tạo)...

Sáng tác mới về quan họ thì có sự tham gia của đủ bậc anh tài nhiều thế hệ, trong đó có các nhạc sĩ như: Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Đoàn Bổng, Trung Đức, An Thuyên, Nguyễn Tiến, Nhất Sinh, Nguyễn Việt Bình, Lê Minh, Vũ Thiết, Lê Minh Sơn, Giáng Son... Một lực lượng đông đảo nhạc sĩ trong chính vùng quan họ Bắc Ninh-Bắc Giang cũng góp nhiều ca khúc, có thể kể tới những gương mặt như: Ngọc Lĩnh, Trọng Tĩnh, Tuấn Khương, Nguyễn Trung, Ngọc Thạch, Trần Ngọc Sơn, Ngọc Lương, Bá Quang, Quang Thanh, Quang Thắng...

Quan họ được khai thác ở nhiều góc độ, có ca khúc nhắc tới quan họ trong ca từ, có ca khúc khai thác chất liệu của dân ca quan họ. Trong khi đề tài cũng rất đa dạng, khai thác hình ảnh, tình yêu quan họ, làng quê quan họ, văn hóa quan họ, nét duyên quan họ, kết duyên quan họ với vùng miền khác, quan họ với các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Có nhiều bài là sáng tác mới nhưng đậm đà chất liệu dân ca, được liền anh, liền chị và các ca sĩ hát dòng nhạc dân gian khắp nơi hát nhiều, chẳng hạn: “Nhớ đêm giã bạn” (Nguyễn Tiến), “Khách đến chơi nhà” (Lê Minh), “Tìm trong chiều hội Lim” (Nguyễn Trung), “Khúc giao duyên” (Trọng Tĩnh)...

Lan tỏa xu hướng nghe, làm nhạc quan họ đến người trẻ

Điều đặc biệt, không chỉ đến khi các nhạc sĩ khai thác vào tác phẩm thì quan họ mới có nét mới. Ngay chính bản thân những bài, làn điệu cổ truyền tồn tại cả trăm năm trong sinh hoạt văn hóa quan họ cũng chưa bao giờ cũ. Thậm chí quan họ còn được khai thác nhiều và nhiều lần tạo thành xu hướng nghe nhạc.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên khoảng những năm 2010, khi nghe nhạc trên không gian mạng mới phát triển và vẫn còn tương đối mới mẻ thì xuất hiện hiện tượng Anh Khang với những bản cover các bài dân ca như “Hoa thơm bướm lượn”, “Bèo dạt mây trôi”... Nam ca sĩ người Hà Nội này thể hiện theo cách tự đệm đàn guitar, trong khi lời hát và cơ bản phần giai điệu chính được giữ nguyên, nhưng có sự sáng tạo ở cách luyến láy, nhả chữ và nhấn nhá theo cách hát mới. Kiểu hát này đã tạo nên một sức hút mạnh mẽ và được khán giả đón nhận. Thậm chí, nó đã khiến nhiều ca sĩ dòng nhạc trẻ chọn hát dân ca và hát theo cách mới này. 

Dẫu thế Anh Khang không phải nghệ sĩ tiên phong, trước đó mấy thập niên đã có nghệ sĩ khai thác và thậm chí mức độ thành công ở tầm thế giới. Đó là vợ chồng nhạc sĩ, nghệ sĩ Nguyên Lê-Hương Thanh. Hai nghệ sĩ khai thác theo xu hướng world music với những phần hòa âm mới lạ cùng các nhạc cụ ban nhạc phương Tây trong khi giai điệu và ca từ vẫn giữ nguyên, cách hát cũng không nhiều thay đổi. Nét khác đặc trưng được tạo nên ở đây có thể là bởi Hương Thanh vốn là ca sĩ, không phải quê quan họ nên không thể hiện đúng theo lối hát, màu nhạc của các liền chị quan họ.

Cũng hướng world music, Ngô Hồng Quang-một nghệ sĩ gốc Việt đang hoạt động âm nhạc và làm công tác giảng dạy âm nhạc truyền thống ở châu Âu có hẳn một album mang tên Nam Nhi thể hiện các bài quan họ như: “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Lên tiên cung”, “Trèo non lội suối”, “Gọi đò”, “Đêm qua nhớ bạn”, “Mười nhớ”... Phần hát Ngô Hồng Quang thể hiện theo cách của riêng anh, đồng thời phần nhạc nền là sự kết hợp giữa nhạc cụ Việt Nam và nhạc cụ một số nước trên thế giới. Album được Ngô Hồng Quang phát hành rộng khắp toàn thế giới, trong khi những bài này cũng được nam nghệ sĩ mang đi trình diễn ở châu Âu và nhiều nơi khác.

Đình đám nhất gần đây là thời điểm năm 2020, ca sĩ Đức Phúc ra mắt MV “Người ơi người ở đừng về”. Đây là sản phẩm âm nhạc hiện đại, thuộc dòng nhạc điện tử đang phổ biến trong giới trẻ. Nhóm nhạc đình đám DTAP (bao gồm 3 thành viên Thịnh Kainz, Kata Trần và Tùng Cedrus) tham gia ở vai trò nhà sản xuất âm nhạc. Ca khúc còn có phần rap với sự góp giọng của rapper nữ hàng đầu-Suboi (Hoàng Lâm Trang Anh). Không phải một bài quan họ mà là một ca khúc hiện đại của giới trẻ nhưng khai thác câu hát “Người ơi người ở đừng về” đã gắn liền với quan họ và được lấy làm trung tâm, thậm chí dùng làm luôn tên bài. Ca khúc này cũng đã tạo được sự đón nhận từ giới trẻ, cho tới thời điểm hiện tại, “Người ơi người ở đừng về” của Đức Phúc đạt tới hơn 42 triệu lượt người xem.

Việc phát triển mới đến đâu, đón nhận thế nào thì khai thác chất liệu mới trong sáng tác; hay khoác áo mới bằng hình thức thể hiện từ cách hát, thêm nhạc cụ đệm hay phối khí theo kiểu điện tử cũng không thể thay thế vị trí của quan họ cổ truyền ở chính không gian văn hóa vốn đã sinh ra và nuôi dưỡng nó. Việc làm mới chỉ là một hoạt động tích cực góp phần lan tỏa quan họ, đưa quan họ đến với đông đảo khán giả thuộc các lứa tuổi, các dòng nhạc và đến với bè bạn quốc tế. Thông qua đó, nhiều người biết đến văn hóa, âm nhạc Việt Nam, biết đến nét quyến rũ của dân ca quan họ.

Vì vậy việc bảo tồn và phát huy quan họ vẫn phải hài hòa song song giữa hai yếu tố, trong đó yếu tố phát triển có thể chỉ cần khuyến khích, định hướng, trong khi vốn cổ và nếp sinh hoạt văn hóa ở các làng quan họ gốc luôn cần được đặt ưu tiên trọng tâm và sự tham gia trực tiếp từ các cấp ngành, các nhà chuyên môn và cộng đồng.

Nhạc sĩ NGUYỄN QUANG LONG, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình âm nhạc dân tộc

Lượt xem: 4
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...