• :
  • :

Nghịch lý ngôn ngữ tiếng Việt bắt trend kiếm tiền tỉ cho phim Hàn

“Bỗng dưng trúng số” của Hàn Quốc thu về 27 tỉ đồng ở Việt Nam chỉ sau 3 ngày ra rạp. Hầu hết khán giả cho rằng, thành công của phim phần lớn nhờ vào đội ngũ phiên dịch với ngôn từ “bắt trend”, hợp thị hiếu - điều mà những phim do chính người Việt sản xuất còn chưa làm được.

Nghịch lý ngôn ngữ tiếng Việt bắt trend kiếm tiền tỉ cho phim Hàn

"Bỗng dưng trúng số" thu hàng chục tỉ đồng chỉ sau vài ngày công chiếu ở rạp Việt. Ảnh: NSX

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim Bỗng dưng trúng số.

“Bỗng dưng trúng số” đại thắng nhờ “bắt trend" tiếng Việt

Phim điện ảnh Hàn Quốc “Bỗng dưng trúng số” công bố kiếm 27 tỉ đồng sau 3 ngày công chiếu, trở thành phim Hàn có doanh thu mở màn cao nhất mọi thời đại tại thị trường Việt Nam.

Ghi nhận tại các rạp ở Hà Nội, hầu hết suất chiếu bộ phim này đều tẩu tán vé nhanh chóng. Đặc biệt, những suất chiếu lúc đêm muộn (23h - 0h) với chủ yếu khán giả trẻ, cũng trong tình trạng “cháy vé”.

“Bỗng dưng trúng số” thực chất là bộ phim thương mại giải trí đơn thuần, không nhiều hàm ý sâu xa. Thậm chí có những tình tiết cường điệu đến mức phi lý... nhưng tếu táo, duyên dáng và ngập tiếng cười.

Tác phẩm lấy bối cảnh là khu biên giới quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Chun Woo (Ko Kyoung Pyo), một binh lính Hàn Quốc vô tình nhặt được tờ vé số trúng độc đắc trị giá 5,7 triệu USD. 

Nhưng anh đã bất cẩn để tờ vé số bay sang bên kia biên giới, rơi vào tay người lính Triều Tiên tên Yong Ho (Lee Yi Kyung). Câu chuyện bắt đầu éo le khi Chun Woo không thể đòi lại tấm vé số, Yong Ho cũng không thể sang Hàn Quốc nhận thưởng. 

 

 Phim có kịch bản hài hước, duyên dáng và thêm thành công tại Việt Nam nhờ "phiên dịch hay". Ảnh: NSX

Sự việc trở nên rắc rối hơn khi các đồng đội của hai chàng lính phát hiện và cùng tham gia vào “cuộc đàm phán” để được nhận một phần tiền thưởng. Song, từ đây cũng mở ra những tình huống hài hước, khiến bộ phim “cháy vé” ở rạp Việt.

Hai bên cùng thỏa thuận trao đổi một người lính làm tin, sau khi phía Hàn Quốc đi nhận tiền thưởng và chia trác thành công sẽ đổi trả lại. Hai người được chọn là Chun Woo và Yong Ho.

Hầu hết khán giả ra rạp đều nhận xét, phân đoạn dở khóc dở cười nhất ở “Bỗng dưng trúng số” là đoạn lính Triều Tiên Yong Ho được cấp trên dạy cho loạt từ ngữ “bắt trend” theo văn hóa Hàn Quốc, để tránh bại lộ thân phận. 

Tuy nhiên, loạt từ Yong Ho được học lại là “Ra dẻ” (ra vẻ), “U là trời” (Ôi là trời), “Trằm zn” (trầm cảm), “Ố dề” (làm lố)... Đây đều là những từ tiếng Việt theo cách đọc lệch được thế hệ GenZ Việt Nam sử dụng, hoàn toàn không phải tiếng Hàn.

Đội ngũ phiên dịch đã phát huy chính ngôn ngữ “bắt trend” tiếng Việt vào lời thoại, giúp bộ phim Hàn Quốc càng thêm hấp dẫn, hài hước. Phim Hàn nhưng nhờ phiên dịch thú vị lại bám sát xu hướng đời sống ngôn ngữ của giới trẻ Việt.

Trên mạng xã hội, khán giả cũng truyền tai, kháo nhau nên đi xem phim vì “phiên dịch hay”.

 

 Nhân vật Yong Ho học ngôn ngữ "bắt trend" tiếng Việt trong phim Hàn nhờ đội ngũ phiên dịch. Ảnh: NSX

Phim Việt lạc hậu tại chính “sân nhà”

Đến đây, nhiều khán giả đặt câu hỏi, chỉ một đội ngũ phiên dịch tốt, hợp thời, đã giúp phim Hàn “đại thắng” phòng vé Việt, tại sao chính nhà sản xuất Việt Nam chưa làm được những bộ phim có lời thoại, nội dung hấp dẫn như vậy?

Hàng chục phim Việt ra rạp năm 2022 chỉ thu lại 1-2 tỉ đồng, thua lỗ nặng nề.

Hiếm hoi có một số phim ăn khách như “Em và Trịnh” là phim đạt doanh thu trăm tỉ duy nhất kể từ đầu năm. Nhưng so với tốc độ 3 ngày thu 27 tỉ của “Bỗng dưng trúng số” còn kém xa. 

Việt Nam cũng không thiếu những bộ phim giải trí, hài hước như “Nghề siêu dễ”, “Chìa khóa trăm tỉ”... chuyển thể từ kịch bản Hàn. Song, những phim này cũng chỉ dừng lại ở mức vài chục tỉ đồng, vì nội dung Việt hóa và diễn xuất còn một số hạn chế, theo đánh giá từ khán giả.

 

 Việt Nam không thiếu phim hài hước nhưng vẫn không "đua" được với doanh thu phim ngoại. Ảnh: NSX.

Như nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn phân tích, ngoài lý do nhiều nhà sản xuất Việt chuyên môn không cao, chưa đầu tư, chăm chút nội dung, thì có một nguyên nhân khác là do “hầu hết các nhà làm phim thuộc độ tuổi 7X, phần nào chưa thể theo kịp nhu cầu và thị hiếu của lứa khán giả từ 16-30 tuổi, mà chủ yếu là thế hệ Z (gen Z)”.

Lý Nhã Kỳ chia sẻ với Lao Động rằng, phim “Kẻ thứ 3” thua thảm về doanh thu do điểm yếu nội dung và một phần là vì “Phim Việt đang bị chèn ép về suất chiếu”. Lý Nhã Kỳ cho biết, phim của cô được xếp vào các suất chiếu lúc 8h sáng và 23h đêm, là những khung giờ gần như không thể bán vé.

Tuy nhiên, đặt sự so sánh, cùng có suất chiếu 23h đêm, tại sao phim Việt ế ẩm, “Bỗng dưng trúng số” vẫn “cháy vé”?

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...