"Sợi kết nối" các nghệ sĩ trẻ
Thay vì đơn thuần vẽ bức lụa hay gò lưng làm sơn mài để có tác phẩm tốt nghiệp, 24 họa sĩ trẻ vừa tốt nghiệp Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã tìm về, học hỏi những tinh túy của nghề dệt lụa truyền thống. Đó là quá trình học đi đôi với hành thiết thực, bổ ích, tạo cảm hứng để các họa sĩ thăng hoa trong sáng tạo.
Kết quả của hai năm vừa học vừa làm của 24 họa sĩ trẻ là hơn 80 tác phẩm tạo nên triển lãm “Sợi kết nối” tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Hà Nội), dưới sự hướng dẫn của họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn. Nhan đề triển lãm xuất phát từ sự liên kết giữa sinh viên chuyên ngành lụa và sơn mài, giữa thầy và trò, đặc biệt còn là sự kết nối tình cờ với nghệ nhân dệt lụa truyền thống-Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phan Thị Thuận.
Bình phong kết hợp lụa với sơn mài. Ảnh: THẾ SƠN. |
Nghệ nhân Phan Thị Thuận sinh ra và lớn lên tại làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) vốn là nơi có truyền thống lâu đời về nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Nhóm họa sĩ trẻ vô tình gặp nữ nghệ nhân tại hội chợ cuối tuần ở quận Hoàn Kiếm. Cuộc trò chuyện cùng NNƯT Phan Thị Thuận là bước đệm cho nhóm nghệ sĩ trong việc hình thành ý tưởng thực hiện triển lãm liên quan đến tơ lụa. Được làm việc cùng nghệ nhân Phan Thị Thuận là cơ hội để sinh viên tiếp thu những kiến thức về quy trình dệt lụa truyền thống. Đây cũng là cách tiếp cận mới về nghệ thuật, khơi dậy tính tò mò, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Họ không còn bị giới hạn bởi xưởng và giá vẽ trong trường đại học mà có thể vận dụng mọi tài liệu thực tế để học hỏi về nghệ thuật hội họa như tham quan làng nghề, tổ chức triển lãm, quay phim, chụp ảnh...
Bằng cách thuyết phục nghệ nhân Phan Thị Thuận đưa các dụng cụ nghề dệt lụa trở thành tác phẩm nghệ thuật sắp đặt kết nối với tác phẩm của nghệ sĩ trẻ, người xem có thể hình dung quá trình để có một tấm lụa phải trải qua bao công đoạn vất vả ra sao, từ đó càng thêm yêu, trân trọng tranh lụa truyền thống của dân tộc.
Yếu tố sáng tạo đáng chú ý là sự kết hợp giữa sơn mài và lụa. Điển hình như trong tác phẩm của Nguyễn Cẩm Nhung. Họa sĩ đã đặt những bức lụa vẽ họa tiết hoa lá giữa bức bình phong, tạo hiệu ứng thị giác bất ngờ. Đây là cách làm mới bình phong, thường là những tấm vóc sơn mài ghép lại, song sự kết hợp giữa hai chất liệu truyền thống không hề “lệch pha” mà vẫn mang nét hài hòa, duyên dáng.
Triển lãm “Sợi kết nối” là một minh chứng cho sự ưu việt của giáo dục nghệ thuật khai phóng, học đi đôi với hành. Mục đích là tạo dựng niềm tin ở bản thân, khơi gợi sự sáng tạo của mỗi cá nhân nghệ sĩ trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho kiến thức qua quá trình thực hành. Đây là cơ sở để tin các nghệ sĩ trẻ có thể phát huy tài năng trên nhiều phương diện sáng tác, thực hành nghệ thuật, tổ chức hoạt động cũng như các dự án nghệ thuật.
HẠ ANH