Không để lãng phí trụ sở công
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị, nhiều địa phương đã tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Tuy nhiên, sau sáp nhập, hàng loạt trụ sở cơ quan bỏ không, gây lãng phí lớn.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, diện tích đất dôi dư chưa xử lý được của cả nước hiện là gần 1,39 triệu mét vuông, diện tích nhà là gần 375.000m2. Có địa phương chẳng những để không trụ sở mà còn phải bố trí thêm kinh phí thuê trông coi. Điều nghịch lý là nhiều trụ sở cũ bỏ hoang, trong khi trụ sở sau sáp nhập lại không đủ chỗ làm việc, phải đầu tư xây dựng thêm.
Tình trạng trên có nguyên nhân khách quan do hệ thống văn bản, quy định, hướng dẫn của Trung ương về xử lý tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có quy định về thanh lý, bán đấu giá tài sản công còn chưa đồng bộ, thiếu cụ thể; quy trình, thủ tục xử lý đất, trụ sở của các cơ quan, đơn vị còn phức tạp; việc xử lý các công trình nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố dôi dư khó khăn vì hồ sơ pháp lý để chứng minh nguồn gốc tài sản không có, do nguồn vốn đầu tư xây dựng được huy động từ đóng góp của nhân dân...
Ảnh minh họa: daidoanket.vn |
Ở góc độ chủ quan, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tích cực, chủ động xây dựng phương án, tiến hành thủ tục pháp lý để xử lý; việc vận dụng các quy định của pháp luật trong xử lý tài sản công sau sắp xếp của các địa phương, đơn vị chưa thống nhất; các cơ quan chuyên môn thiếu sâu sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Có địa phương lúng túng trong xử lý do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy khi động đến lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, nhiều khiếu kiện như đất đai.
Để khắc phục tồn tại trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về việc rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023-2030. Công điện chỉ rõ những việc cần làm ngay cùng trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành chức năng trong xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư.
Rõ ràng, việc xử lý trụ sở công dôi dư cần sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở. Trên thực tế, có những địa phương chủ động, triển khai thực hiện linh hoạt, bảo đảm quy định của pháp luật. Kinh nghiệm rút ra là khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn các đơn vị về quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng các công trình, trong đó giải quyết dứt điểm nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố dôi dư theo hướng bàn giao cho cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng, tạo điều kiện để người dân tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa tại cộng đồng.
Đối với cấp huyện, chỉ đạo xử lý dứt điểm các trụ sở làm việc của cấp xã dôi dư theo hướng công trình nào đã có phương án bàn giao cho cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương quản lý, sử dụng thì nhanh chóng thực hiện thủ tục bàn giao và đưa vào sử dụng.
Đối với các công trình dôi dư khác thuộc quản lý của địa phương, xây dựng phương án chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được phê duyệt, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Trong thời gian chưa xây dựng được phương án xử lý thì nghiên cứu giao cho các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể cấp xã quản lý, sử dụng để làm việc...
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, hành lang pháp lý, việc chủ động, tích cực của mỗi địa phương, nhất là phát huy vai trò và quy rõ trách nhiệm người đứng đầu là “nút mở” quan trọng. Không thể để kéo dài tình trạng hoang hóa trụ sở công, gây lãng phí tài sản của nước, của dân.
ĐÀO HỒNG