• :
  • :

Lần đầu tiên có chính sách tín dụng riêng cho người mãn hạn tù

Mới đây, ngày 17-8, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10-10-2023.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Bộ Công an, chính sách mới được ban hành có vài điểm đáng chú ý như sau: Người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đến thời điểm được vay vốn tối đa là 5 năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được Công an cấp xã lập danh sách, có xác nhận của UBND cùng cấp gửi Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi như đối với hộ nghèo. Nếu vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người; nếu vay để sản xuất kinh doanh tối đa là 100 triệu đồng/người.

Phạm nhân trại giam Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc. 

Cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn được UBND cấp xã xác nhận có thể vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/1 người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể 2 loại đối tượng được vay vốn gồm: Cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù, với những điều kiện như sau:

Đối với cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù, việc thực hiện vay vốn theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình và ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Phải bảo đảm các điều kiện: Có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia tệ nạn xã hội. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm.

Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thì Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trực tiếp. Phải bảo đảm các điều kiện: Được thành lập và hoạt động hợp pháp, sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện vừa trình bày ở trên và ký hợp đồng lao động theo quy định, có phương án vay vốn và được UBND cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.

Quy trình lập hồ sơ, xét duyệt cho các đối tượng vay tại Quyết định này do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo nghiệp vụ của mình và tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

VOV

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...