• :
  • :

Quan tâm giáo dục nghề nghiệp

Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được quy hoạch, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, vùng miền, phân tầng chất lượng.

Khoảng 940.700 người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm là con số đáng quan tâm khi Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố về tình hình lao động, việc làm quý II-2023. Con số này đặt ra bài toán cho các cơ quan chức năng khi đã tăng thêm 54.900 người thiếu việc làm so với quý trước và Đông Nam Bộ là vùng chịu tác động nhiều nhất. 

Đơn cử, qua khảo sát của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đến cuối quý II-2023, số lượng lao động phổ thông (không có bằng cấp hay chứng chỉ nghề chuyên môn) thiếu việc làm chiếm gần 92% trong tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thực tế này đòi hỏi công tác đào tạo nghề để cung ứng nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động phải được chú trọng hơn.

Ảnh minh họa: baodantoc.vn

Cả nước hiện có gần 1.900 cơ sở đào tạo nghề với quy mô đào tạo khoảng 2 triệu người mỗi năm. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong nửa đầu năm 2023, công tác tuyển sinh đạt hơn 46% chỉ tiêu.

Cùng với đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 26,7% là con số còn khá khiêm tốn so với yêu cầu chất lượng lao động hiện nay. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến người lao động chưa tiếp cận với trường nghề nhưng trước hết, hệ thống trường nghề đang còn bất cập, phân bố chưa hợp lý giữa các vùng miền, cơ cấu tuyển sinh phần lớn là trình độ sơ cấp, còn trùng lắp ngành nghề đào tạo trên địa bàn một vùng...

Bên cạnh đó, xu hướng muốn học nghề nhanh, sớm tham gia thị trường lao động khiến người lao động khó thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học-công nghệ.

Thị trường lao động, việc làm thời gian tới được các chuyên gia dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Lao động có tay nghề, chứng nhận, chứng chỉ nghề vẫn có lợi thế trong tìm việc làm. Do đó, cần tăng cường nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, những ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn.

Theo giới chuyên gia, các ngành dịch vụ, du lịch, kỹ thuật, công nghệ... đang thu hút đông đảo học sinh, sinh viên đăng ký theo học. Tuy nhiên, để người học có việc làm sau khi tốt nghiệp, cần sự nỗ lực từ các bên: Bản thân sinh viên, cơ sở giáo dục-đào tạo và đơn vị sử dụng lao động. Điều quan trọng là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp với các nhà trường, đơn vị thường xuyên định hướng nghề nghiệp để học sinh, phụ huynh hiểu rõ về ngành nghề, yêu cầu của thị trường về lao động tay nghề cao hiện nay; từ đó đào tạo nghề đúng, trúng nhu cầu xã hội, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu hoặc lao động có bằng cấp, chứng chỉ mà vẫn thất nghiệp.

Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10-1-2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội đã đặt mục tiêu vào năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Đây là tỷ lệ hoàn toàn có thể đạt được với sự chung tay của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tuy vậy, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được quy hoạch, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, vùng miền, phân tầng chất lượng. Đồng thời, có thể tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia tích cực, chủ động vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

HỒNG GIANG

Lượt xem: 4
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết