Giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 đang được xem xét sửa đổi. Một trong những mục đích quan trọng của việc sửa luật lần này là nhằm ngăn chặn tình trạng người lao động rút BHXH một lần diễn ra khá phổ biến thời gian qua.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2022, toàn quốc có gần 4,85 triệu người rút BHXH một lần. Trong đó chỉ có 1,3 triệu người quay lại hệ thống, tiếp tục đóng BHXH sau khi tìm được việc làm; gần 3,55 triệu người “một đi không trở lại”, thậm chí có tới 907.000 lao động từng rút 2 lượt, hơn 61.000 người rút BHXH đến 3 lượt... Tình trạng rút BHXH một lần vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Mỗi người lao động rút BHXH một lần là một trường hợp rời khỏi hệ thống an sinh xã hội bởi khi về già họ không có lương hưu, không được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí cùng các chế độ BHXH khác. Hàng triệu trường hợp như vậy sẽ tạo áp lực rất lớn cho cộng đồng trong giải quyết vấn đề đói nghèo, bệnh tật cũng như công tác bảo đảm an sinh xã hội. Việc người lao động rời bỏ BHXH nếu không được giải quyết hiệu quả sẽ trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng. Chính sách BHXH-một trong những trụ cột của an sinh xã hội, một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước cũng vì thế mà giảm đi ý nghĩa, vai trò.
Người lao động đến giải quyết chế độ tại cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh minh họa:TTXVN |
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng rút BHXH một lần xuất phát từ những khó khăn mà người lao động gặp phải do thiếu việc làm, giảm thu nhập, trong khi nỗi lo “cơm áo gạo tiền” luôn bủa vây. Không còn chỗ dựa kinh tế nào khác, người lao động đành phải sử dụng đến vốn liếng cuối cùng-BHXH một lần, mặc dù có thể ý thức được những thiệt thòi, khó khăn sẽ gặp phải trong tương lai, nhất là khi về già. Để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, giải pháp thiết thực nhất là phải giúp người lao động vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, quá trình thẩm tra dự án Luật BHXH sửa đổi, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung chính sách trợ cấp đối với con em người lao động đang tham gia BHXH để người lao động vơi bớt áp lực kinh tế, có thể tiếp tục đóng BHXH lâu dài. Hỗ trợ học phí cùng chi phí sinh hoạt khác cho con em người lao động khó khăn, đồng thời động viên, yêu cầu cha mẹ không rời hệ thống BHXH là cách nhiều nước đã làm và cho thấy hiệu quả. Nếu chủ trương này được áp dụng ở nước ta thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người lao động, vì khi đó sẽ vừa giúp học sinh được học tập tốt hơn, vừa tạo điều kiện, động lực để cha mẹ quyết tâm trụ lại hệ thống an sinh xã hội.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, chính sách hỗ trợ người lao động mặc dù rất cần thiết nhưng không phải là “cây đũa thần”. Giải quyết tình trạng rút BHXH một lần, giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội là bài toán nhiều biến số, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ bảo đảm việc làm, thu nhập, có chính sách tín dụng phù hợp cho người lao động khi có nhu cầu vay vốn đến thiết kế luật làm sao để bảo đảm tối đa quyền lợi, thực sự hấp dẫn người tham gia BHXH. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động nâng cao nhận thức, ý thức, có trách nhiệm đối với tương lai của chính mình thông qua việc tích cực tham gia BHXH...
PHƯƠNG HIỀN