• :
  • :

Góc nhìn giáo dục: Trao quyền cho giáo viên

Tại lễ khai giảng ở một ngôi trường quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, tôi tình cờ được tham dự vào câu chuyện giữa hai giáo viên bàn luận về chủ đề năm học 2023-2024 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Câu chuyện của họ có lẽ là băn khoăn của không ít giáo viên phổ thông hiện nay khi năm học mới đã bắt đầu.

- Thầy này, giáo viên được nhắc tới nhiều với vai trò nòng cốt của sáng tạo và đổi mới, tôi thấy mông lung quá.

- Ý thầy là gì? Rõ ràng thế cơ mà!

- Theo thầy, giáo viên làm thế nào để sáng tạo, đổi mới khi vẫn bắt buộc phải dạy đúng giáo án, đúng đề thi... và lớp học chật cứng 40-50 học sinh. Giáo viên có phải là siêu nhân đâu!

- Vậy nên làm thế nào?

Trao quyền cho giáo viên là trao cho họ quyền chủ động trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, nội dung bài học, hình thức kiểm tra, đánh giá. Ảnh: VOV

- Vâng, khẩu hiệu là vậy nhưng thực tế lại khác. Năm học 2023-2024 là năm học thứ tư triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được kỳ vọng sẽ tạo nên bước phát triển đột phá, thay đổi căn bản giáo dục phổ thông Việt Nam từ giáo dục dựa trên nội dung sang giáo dục dựa trên năng lực. Đổi mới giáo dục thì hãy để giáo viên được sáng tạo đúng nghĩa.

Trao quyền cho giáo viên là trao cho họ quyền chủ động trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, nội dung bài học, hình thức kiểm tra, đánh giá. Khi được trao quyền, giáo viên sẽ có cơ hội phát huy năng lực sáng tạo, đổi mới trong dạy học, từ đó giúp học sinh phát triển toàn diện. Khi trao quyền cho giáo viên, ban giám hiệu, phụ huynh và đồng nghiệp cần hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và mong muốn của giáo viên để cùng thúc đẩy, cổ vũ cả về chính sách, nội quy, lẫn cơ sở vật chất, cũng như sự phối hợp trong triển khai để không cản trở, bỏ mặc giáo viên tự xoay xở. 

- Thầy nói phải, sự chuyển đổi của chương trình phổ thông Việt Nam thực chất đang trễ hơn nhiều các quốc gia khác, do đó quá trình thay đổi này là bắt buộc, không thể trì hoãn nữa. Ở các quốc gia như: Anh, Phần Lan, Australia... chương trình phổ thông quốc gia được thay đổi ở chu kỳ ngắn hơn rất nhiều, có thể chỉ trong 5 năm để theo kịp những chuyển biến mạnh mẽ về khoa học, kỹ thuật và văn hóa xã hội.

- Nhưng tôi thấy khó đấy vì đứng trước sự thay đổi, các ý kiến nghi ngờ, sự lo âu, bất an của con người là phản ứng thông thường, phổ biến. Các thử nghiệm ban đầu có khi chưa thành công, phải điều chỉnh cũng không là điều lạ, nhưng chúng ta phải thấu hiểu các mục tiêu cốt lõi của sự chuyển đổi giáo dục là không thay đổi. Do đó cần trao quyền và đồng hành cùng giáo viên để họ luôn tự tin, tích lũy thêm kinh nghiệm thay vì đánh giá dựa vào những sai hỏng đó. 

Câu chuyện trên chỉ là một minh chứng cho thấy rất nhiều yêu cầu đổi mới trong giáo dục đang được triển khai. Giáo viên là nguồn lực chính để hiện thực hóa các quan điểm đổi mới giáo dục của những nhà hoạch định chính sách, các cấp quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trên hành trình chuyển đổi giáo dục này họ không thể đi một mình mà cần sự đổi mới, sáng tạo từ chính các cấp quản lý và xã hội.

THÁI AN

Tags: giáo viên