• :
  • :

Một cách dạy STEM thú vị

Chỉ với chút giấy bút, que tăm, bánh mì... cô giáo Đào Thị Hồng Quyên giáo viên STEM được UNICEF lựa chọn và cô giáo Đặng Thị Thu Hà, đồng tác giả sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 môn công nghệ lớp 8 và 10 đã biến buổi tập huấn giáo dục STEM cho hiệu trưởng, giáo viên cấp THCS ở Phú Thọ trở nên hấp dẫn và thiết thực.

STEM không phức tạp

Cuối buổi tập huấn, lớp học đã về hết, cô giáo Trịnh Thị Hải Yến, giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Sông Lô (TP Việt Trì) vẫn nấn ná muốn hỏi thêm cô Đào Thị Hồng Quyên về kinh nghiệm tổ chức ngày hội STEM để hấp dẫn với chi phí thấp nhất.

“Chị làm viên bi ống máng, toàn vật liệu rẻ mà nhiều học sinh thích”, cô Quyên gợi ý. Cô Yến băn khoăn: “Nhưng yêu cầu làm STEM để phục vụ bài giảng cho môn Sinh học”. “Vậy thì ống máng chị dùng các loại lá có bản to như lá chuối, bi chị thay bằng hạt đỗ, hạt lạc, hạt ngô...”, nghe cô Quyên nói, cô Yến dường như thở phào. Hóa ra STEM cũng không quá phức tạp.

STEM không chỉ không phức tạp mà còn có thể làm với chi phí cơ bản gần như bằng không. Trong buổi tập huấn, cô Quyên cho giáo viên làm các thí nghiệm từ vật liệu rất rẻ. Cô dùng que tăm cho giáo viên xác định lòng hay mu bàn tay có nhiều xúc giác hơn bằng thử nghiệm nhắm mắt cảm nhận số lượng đầu que tăm.

Đây là bài học hữu ích khi học sinh học về thần kinh và cấu tạo da và cũng là bài học về cách đưa ra cách đánh giá về cảm nhận của người lớn khác trẻ em ra sao, người phải làm việc với tay nhiều hay không, cảm nhận trong không gian tĩnh, lúc thư giãn thoải mái khác thế nào so với ở nơi ồn ào...

 Các thầy, cô giáo hào hứng tham gia hoạt động tại lớp tập huấn.

Tương tự, với bài học về khảo sát bầu trời, tiếng ồn, ánh sáng cũng vậy. Dụng cụ cho buổi học rất đơn giản, chỉ cần tờ giấy, cái bút, một chiếc điện thoại thông minh tải ứng dụng miễn phí tương ứng là đã có những bài học thật bổ ích. Khảo sát bầu trời giúp người tham gia hiểu được về Đông-Tây-Nam-Bắc, trời nắng hay mưa, nhiều mây, ít mây...

Phức tạp hơn thì cần xác định hướng gió, tầm nhìn... Các bài khảo sát tiếng ồn, ánh sáng cũng vậy, không chỉ làm được ở lớp học để đưa ra nhận xét về mức độ bảo đảm điều kiện học tập mà còn có thể sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc và phục vụ cho nhiều mục tiêu khác nhau.

Từ dữ liệu quan sát, giáo viên hướng dẫn cách ghi và trình bày vấn đề mới thực sự quan trọng. Nhiệm vụ khảo sát giúp học sinh hiểu cách thức quan sát của một nhà khoa học khác gì một nhà văn. Sử dụng tư duy quan sát tinh tế của khoa học ngược lại còn có thể áp dụng vào bài làm văn.

“Nếu chúng ta dạy xong mà học sinh quên thì để làm gì? Quan trọng nhất của việc dạy và học STEM là tạo cho học sinh tư duy như nhà khoa học. Nghĩa là phải có làm và kiểm nghiệm vào thực tế, tạo thói quen khám phá khoa học. Chẳng hạn với bài học que tăm thì không phải học sinh nhớ được thần kinh, đầu mút... là gì nhưng khi đọc thông tin ngụy khoa học thì có thể nhận biết đúng-sai. Ngay như việc hướng dẫn đặt câu hỏi khám phá cũng vậy. Đó không thể là những câu hỏi đóng hay mở sách giáo khoa là thấy mà phải là những vấn đề buộc người học phải mày mò, tìm tòi mới có thể trả lời được”, cô Đào Thị Hồng Quyên lý giải.

STEM thú vị

Trong những buổi học STEM của cô giáo Đào Thị Hồng Quyên và Đặng Thị Thu Hà, có những thầy, cô giáo đã tham gia các buổi học trước vẫn tiếp tục đến nghe lại.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Thịnh, Tổ trưởng chuyên môn Trường THCS Dữu Lâu (TP Việt Trì) bày tỏ: “Tôi trở lại vì vẫn tìm thấy nhiều thứ thú vị cần học hỏi từ các buổi tập huấn. Qua chương trình, tôi thấy nhiều giáo viên đã được tiếp cận STEM nhưng chưa đến nơi. Chẳng hạn với môn Sinh học, các cô đã cho học sinh trồng và quan sát quá trình phát triển của cây nhưng lại chưa hướng dẫn được cho học sinh cách thảo luận, làm việc nhóm. Thực ra ở tỉnh Phú Thọ rất thích hợp cho học sinh học STEM, bầu trời dường như rộng hơn, con cá, cái cây... cũng có sẵn, rất gần gũi. Chương trình thay đổi cách dạy của thầy cô, đòi hỏi thầy cô phải cống hiến, sáng tạo và hướng đến học sinh, xuất phát từ học sinh”.

Ông Phạm Đức Chiển, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Việt Trì đánh giá: “Qua các nội dung thực hành, chương trình tập huấn đã cung cấp cho thầy, cô giáo kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục STEM, giao lưu chuyên môn, phát triển năng lực giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Cho các giáo viên tham gia tập huấn đóng vai robot chỉ với bánh mì và mứt dâu, cô giáo Đặng Thị Thu Hà yêu cầu học viên viết quy trình ăn bánh cho robot. Một đề bài tưởng chừng đơn giản nhưng khi thử làm robot với quy trình được viết sẵn lại không nhiều đội ăn được bánh theo yêu cầu của đề bài. Cô giáo Đặng Thị Thu Hà lý giải: “Robot chỉ tiếp nhận rồi xử lý thông tin, đưa ra quyết định đúng hay sai để làm theo. Nếu đúng robot đi tiếp còn sai thì chúng ta phải làm lại quy trình. Học STEM cho ta bài học dám thất bại và không phán xét bởi chúng ta phải thấy rằng thất bại nhiều hơn thành công. STEM cũng đòi hỏi thực làm và tự đưa ra những bài học kinh nghiệm trong bối cảnh cụ thể”.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, đại diện Liên minh STEM cho rằng: "Nếu hiệu trưởng, giáo viên không được cập nhật kiến thức cơ bản STEM, học sinh không có cơ hội nào để học vì nông thôn không có những trung tâm dạy STEM như ở thành phố. Ngoài kinh nghiệm về STEM, điều quan trọng là qua các chương trình tập huấn chúng ta có thể hình thành một cộng đồng giáo dục STEM để cùng trao đổi, học hỏi, giao lưu nhằm đưa STEM gần hơn tới mọi đối tượng học sinh”.

Bài và ảnh: THANH BÌNH

Tags: STEM
Lượt xem: 10
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết