• :
  • :

Chung tay đẩy lùi HIV/AIDS

Tại một hội thảo mới đây, đại diện Bộ Y tế công bố con số đáng lo ngại: Dự báo năm 2023, số trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV của cả nước tăng trên 13.000 ca; gần 2.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS.

Trong số đó, khoảng 50% trường hợp nhiễm HIV/AIDS ở nhóm tuổi từ 15 đến 29; số nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ là những nhóm đối tượng nhiễm HIV/AIDS chủ yếu. Đây là điều đáng lo ngại bởi giai đoạn từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới đã có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên từ năm 2016, con số này lại có xu hướng gia tăng và tăng nhanh hơn từ năm 2020 trở lại đây.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm. Đến nay, Ban Bí thư đã 3 lần ban hành chỉ thị liên quan đến công tác này. Nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao vì sự năng động, sáng tạo trong phòng, chống và đưa ra các cam kết chính trị rất mạnh mẽ, cụ thể, kịp thời về HIV/AIDS. Chính vì vậy, chúng ta không khỏi lo ngại vì đại dịch HIV/AIDS đang có nguy cơ bùng phát, diễn biến phức tạp.

Ảnh minh họa: chinhphu.vn 

Vì sao số người nhiễm HIV/AIDS ở nước ta, nhất là với nam giới tăng trở lại trong vài năm gần đây? Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do các bạn trẻ còn thiếu thông tin và kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, HIV/AIDS và các biện pháp dự phòng.

Cùng với đó, sự kỳ thị kép từ cộng đồng, xã hội và định kiến về giới cũng là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ không dám công khai về tình trạng bệnh tật của mình; không ít bạn vừa quan hệ đồng giới, đồng thời sử dụng các chất kích thích nên việc tuân thủ điều trị HIV/AIDS kém hơn...

Ngoài ra, có thể thấy, nguồn lực dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế; nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này dẫn tới việc tuyên truyền, phòng, chống, điều trị HIV/AIDS hiệu quả chưa cao; các nhóm đích là học sinh, sinh viên, công nhân... chưa được tiếp cận.

Để đối phó hiệu quả với sự gia tăng của HIV/AIDS, biện pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp thông tin về kiến thức HIV/AIDS qua các sự kiện cộng đồng, các mạng lưới tại địa phương, nhóm đồng đẳng; kêu gọi mọi người giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS.

Ngành y tế cần tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; đẩy mạnh hoạt động can thiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm, giúp người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV.

Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần tích cực, sáng tạo ra nhiều mô hình cung cấp dịch vụ, triển khai hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống, điều trị HIV/AIDS. Các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức quần chúng, nhất là đoàn thanh niên, hội học sinh, sinh viên cần tăng cường phối hợp, chủ động tiếp cận, tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ điều trị, giúp người có nguy cơ cao được nhận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS...

Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1-12) năm 2023 được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm chọn là: "Cộng đồng sáng tạo-Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Để thực hiện thắng lợi chủ đề trên, trước hết, mỗi người dân không được chủ quan, coi thường HIV/AIDS; hãy cùng chung tay hành động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sáng tạo, góp phần khống chế, đẩy lùi HIV/AIDS, tiến tới kết thúc dịch bệnh này vào năm 2030 ở nước ta.

CHIẾN VĂN

Tags: HIV
Lượt xem: 13
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...