• :
  • :

Cô giáo thắp sáng STEM ở Sơn La

Cầu thị đổi mới, chủ động gặp gỡ chuyên gia và tìm kiếm cơ hội học tập; động viên và khuyến khích được học trò, sẵn sàng vượt mọi rào cản cả địa lí và điều kiện dạy học để tạo cơ hội cho chính mình và học sinh vươn xa là những điều mà ai cũng nhìn thấy khi tiếp xúc với cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên môn Tin học Trường Tiểu học, THCS, THPT Chu Văn An (thuộc Đại học Tây Bắc), tỉnh Sơn La.

Sẵn sàng thay đổi

Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng/Cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình”, là điều mà cô Nguyễn Thị Thanh Hà luôn tâm niệm khi trở thành một giáo viên. Theo cô, nếu không có nhiệt tình thì chỉ gieo sự thiếu tích cực vào trong tư duy của con trẻ. Năng lượng không tích cực đó sẽ lan tỏa ra mọi người xung quanh và bản thân mình sẽ nhận lại những điều đó.

 Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà, sự nhiệt tình sẽ truyền đi năng lượng tích cực tới những người xung quanh. 

Hơn 15 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên môn Tin học Trường Tiểu học, THCS, THPT Chu Văn An không thể nghĩ thời gian phải học trực tuyến do Covid-19 lại là giai đoạn cô phát triển nhất về chuyên môn. Trăn trở với suy nghĩ, môn Tin học là môn rất cần thiết cho lao động trẻ, giải quyết được nhiều vấn đề cuộc sống hiện nay nhưng trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn học không nằm trong tổ hợp nào để thi nên sự coi trọng của học sinh với môn học khá thấp, vì thế cô Hà tham gia khóa bồi dưỡng của Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam để tìm cách thay đổi. Từ đó, cô biết tới STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và khóa tập huấn 6 ngày về STEM đã thay đổi cô giáo vùng cao.

Không dừng lại ở việc thay đổi suy nghĩ, cô Hà bắt tay hành động. Từ việc mày mò đi xin các bộ thiết bị KidsCode phát triển STEM đến những bài học về lập trình trên robot KC-BoT của Học viện KidsCode STEM. Tất cả như một luồng gió mới với cả cô và trò của trường. Dù cô dạy chay, nhìn robot qua màn hình nhưng niềm háo hức của học trò lần đầu tiên biết viết lệnh để điều khiển được robot khiến các em rất hào hứng. Vượt qua những rào cản cả về địa lý và điều kiện dạy học, với thái độ cầu thị, cô Hà tìm kiếm và lặn lội đi học các khóa học STEM, trong đó cô xuất sắc có được tấm bằng chứng nhận Master Trainer của Đại học VinUni.

“Tôi không thể tưởng tượng được chất lượng môn học thay đổi đáng kinh ngạc. Trước kia học sinh lên phòng máy với tâm trạng buồn chán, đối phó, toàn học môn khác trong giờ của mình. Khi thay đổi phương pháp giảng dạy, ngay lập tức các em thay đổi. Lần đầu tiên học sinh tham dự cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới tại Việt Nam (MOSWC) đã mang về 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích cấp khu vực”, cô Thanh Hà phấn khởi chia sẻ.

 Nhờ sự kết nối của cô Hà, học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Chu Văn An giờ đã góp mặt ở nhiều sân chơi. 
 Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà đồng hành cùng học sinh trong một cuộc thi.

Không chỉ vậy, cô Hà còn chủ động kết nối, đưa học sinh đi giao lưu, học hỏi ở những nơi phong trào học STEM phát triển… Từ một đơn vị không mấy tên tuổi, nay trường đã thuộc hàng "tốp" của tỉnh Sơn La, luôn ở vị trí dẫn đầu các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và năm nào cũng có đội đi thi lọt vào top 20 Cuộc thi sáng tạo của Samsung…

Giáo viên thay đổi và học trò cũng thay đổi

Qua các dự án học tập, giáo dục STEM đã không còn là điều gì đó quá xa vời mà hết sức gần gũi, giúp giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống qua mỗi bài học. Đặc biệt, lần đầu tiên học sinh thành lập được câu lạc bộ robot. Các em còn có cả những “chiến binh khủng” như robot VEX IQ, robot VEX V5 để học tập nhờ nỗ lực kết nối, tìm kiếm nguồn tài trợ của cô Hà.

Nhờ có các chương trình tập huấn giáo viên STEM của VinUni và STEAM for Vietnam mà các học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Chu Văn An đã được học lập trình ngôn ngữ Python trên robot VEX IQ. Sự nhiệt tình của cô giáo đã lan tỏa tới các đồng nghiệp và các bạn học sinh, đặc biệt là các bạn nữ. Năm 2021, nhóm robot VEX IQ lập trình Python có 3 nam 1 nữ, nhưng sang năm 2022 đã có 4 nam và 4 bạn nữ. Số lượng bạn nữ chiếm tới 50% là khá cao cho một lĩnh vực STEM. Giờ đây cô Hà có trong tay đến 4 đội tuyển robot sẵn sàng tham dự Giải vô địch VEX IQ Robotics toàn quốc vào năm 2024. Đây là điều mà nhiều trường ở thành phố lớn chưa làm được.

Sau những nỗ lực, nay cô Hà đã có trong tay đến 4 đội tuyển robot sẵn sàng tham dự các giải lớn nhỏ.

Chỉ sau 2 năm, từ khi tiếp cận giáo dục STEM, tư duy giải quyết vấn đề của học sinh là phẩm chất tiến bộ vượt bậc. Trước đây, học sinh chỉ quan tâm làm thế nào để giải bài tập, nhưng giờ đây các em bắt đầu biết đặt câu hỏi ngược lại và đưa ra những ý tưởng mới cho thấy sự thay đổi tư duy và khả năng nhìn nhận vấn đề, đặc biệt là năng lực thấu cảm (quan sát, nhận định vấn đề) tìm ra hướng giải quyết vấn đề. “Nếu trước rất khó khăn trong việc tìm ra ý tưởng thì nay các em có thể “thao thao” trình bày trong 2 tiết học mà chưa hết. Việc phân công vị trí trong mỗi dự án cũng giúp học sinh định hình năng lực nghề nghiệp mà các em thấy mình có sở trường”, cô Hà cho biết thêm.

Không chỉ không ngừng học hỏi, cô Hà còn có nhiều hoạt động chia sẻ với cộng đồng giáo viên STEM nhằm góp phần làm lớn mạnh cộng đồng giáo viên học tập vì sự phát triển của giáo dục STEM, đặc biệt ở vùng cao. Trong dịp hè tới đây, cô Hà sẽ cùng 27 thầy cô giáo Master Trainer và một số chuyên gia của Liên minh STEM giảng dạy cho các giáo viên ở nhiều địa phương.

Qua các hoạt động, trải nghiệm thực tế, STEM không còn là điều gì xa vời nữa đối với học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Chu Văn An.

Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người thầy, cô giáo luôn là những người tận tâm, hết mình vì học sinh. Họ là những người đã chắp cánh ước mơ, nuôi dưỡng tâm hồn cho thế hệ trẻ. Với cô Hà, học sinh còn là người truyền cảm hứng để cô tiếp tục theo đuổi những ước mơ, những kế hoạch đổi mới để cùng học sinh qua những bài học STEM giải quyết những vấn đề thực tiễn của Sơn La.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ

Tags: STEM
Lượt xem: 10
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết