Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 5 luật
Sáng 23-7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố 5 luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ bảy và vừa được Chủ tịch nước Tô Lâm ký lệnh công bố.
Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, chủ trì và điều hành họp báo.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì và điều hành họp báo công bố 5 luật. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Đó là các luật: Bảo hiểm xã hội; Đường bộ; Thủ đô; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
* Luật Bảo hiểm xã hội có nhiều điểm mới căn bản so với quy định hiện hành. Đó là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản; mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bằng việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Luật cũng quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà thông tin về Luật Bảo hiểm xã hội. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
* Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có 43 điều được sửa đổi, bổ sung; bổ sung 2 điều; bãi bỏ 2 điều và một số quy định cụ thể.
Luật bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá tài sản, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm, mở rộng quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản để bảo đảm tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, khắc phục bất cập trong thực tiễn.
* Luật Thủ đô gồm 7 chương, 54 điều. Trong đó, tại chương 2 về tổ chức chính quyền đô thị đã quy định cụ thể về Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố. Với quy định này, Hà Nội có thể đề nghị thành lập thành phố thuộc thành phố, như mô hình của thành phố Hồ Chí Minh.
* Luật Đường bộ gồm 6 chương, 86 điều tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; giải quyết các yêu cầu của thực tiễn với tầm nhìn chiến lược theo hướng thông minh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đường bộ và tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính. Luật này để thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi thông tin về Luật Thủ đô. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
* Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng quy định theo hướng cho phép các luật được sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, thay vì có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Riêng nội dung liên quan đến quản lý sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế quy định tại Luật Đất đai liên quan đến các dự án đầu tư thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 mà nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư trước ngày 1-8-2024 thì cho phép có hiệu lực đến trước ngày 1-1-2025.
CHIẾN THẮNG