• :
  • :

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp tiếp thu 2 dự thảo luật

Sáng 29-10, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến vào việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sau khi các vị đại biểu Quốc hội thảo luận góp ý tại hội trường theo chương trình Kỳ họp thứ tư.

* Nội dung liên quan tới dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được điều hành bởi Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Tham dự nội dung này về phía Chính phủ có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 29-10. Ảnh: DOÃN TẤN

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo Dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo luật. Báo cáo thể hiện đã nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, chỉnh sửa bổ sung chi tiết hơn, đầy đủ hơn. Những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu đã được 2 cơ quan soạn thảo và thẩm tra rà soát kỹ lưỡng, cơ bản thống nhất trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, tập trung vào các nội dung về: Hội đồng Y khoa quốc gia; phân cấp chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh; vấn đề tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; về chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giá khám bệnh, chữa bệnh và việc thực hiện tự chủ tại các cơ sở khám chữa bệnh…

Trên cơ sở đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đều bày tỏ thống nhất với dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Xã hội về các quy định liên quan tới Hội đồng Y khoa quốc gia và phân cấp chuyên môn khám, chữa bệnh. 

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: DOÃN  

Về các nội dung khác, đặc biệt là các quy định về cơ chế tự chủ và tài chính của cơ sở khám chữa bệnh, các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều nhất trí dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nên luật hóa những vấn đề mang tính nguyên tắc tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Đó là các vấn đề tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh không phải là Nhà nước không quan tâm chi, đầu tư mà xác định rõ Nhà nước đầu tư đến mức nào để cơ sở khám chữa bệnh có thể bảo đảm tự chủ hoạt động theo các mức độ khác nhau,...

Một số ý kiến phát biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần làm rõ việc sửa đổi các nội dung liên quan tới tự chủ và công tác tài chính trong cơ sở khám chữa bệnh tại 8 luật hiện hành (Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Giá, Luật Đầu tư công,…) cũng như tiến hành xây dựng một luật về các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới nhằm tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng đối với hoạt động tự chủ và tài chính tại cơ sở khám-chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, dịch vụ khám-chữa bệnh, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN 

Đối với những quy định cụ thể tại 2 Nghị định trên, do đây là những vấn đề luôn thay đổi trong thực tiễn, Quốc hội nên giao lại cho Chính phủ quy định chi tiết.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thống nhất tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và giải trình, tiếp thu tất cả các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, bảo đảm chặt chẽ, khoa học; tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia kinh tế, các nhà chuyên môn về lĩnh vực y tế để hoàn thiện dự thảo luật, nhất là đối với các nội dung về tự chủ và quản lý tài chính tại cơ sở khám-chữa bệnh nhằm bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tính ổn định của luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung liên quan tới Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

* Nội dung liên quan tới dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) được điều hành bởi Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Tham dự nội dung này về phía Chính phủ có Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cho chỉnh lý dự thảo luật theo hướng không quy định thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị thuộc Tổng cục được tổ chức theo ngành dọc ở địa phương để hạn chế phát sinh đầu mối tổ chức mới. Trường hợp cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý, Chính phủ xem xét, giao các cơ quan này thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 9, Điều 36a, Điều 36b của dự thảo luật.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG 

Về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đề nghị chỉnh lý khoản 3 Điều 111 của dự thảo luật theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về tỷ lệ trích và nguyên tắc quản lý, sử dụng khoản kinh phí này.  Để khắc phục việc chậm trễ trong xây dựng, ban hành kết luận thanh tra, dự thảo luật đã quy định cụ thể quy trình các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra trong việc xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; xác định rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra.

CHIẾN THẮNG