• :
  • :

Tận dụng cơ hội từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội

Việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) có ý nghĩa rất lớn; với mục đích nâng cao năng lực của hệ thống y tế, kiểm soát dịch bệnh, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, tới nay, sau gần một năm triển khai, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ sốt ruột khi việc triển khai một số nội dung, công việc trong nghị quyết đang chậm so với kế hoạch, đòi hỏi cần có giải pháp tháo gỡ.

Các doanh nghiệp triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ảnh minh họa: saigondautu.com.vn 

Ghi nhận sự khẩn trương, tích cực và quyết liệt của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phục hồi và phát triển KT-XH, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, chỉ sau gần 20 ngày Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ra đời, ngày 30-1-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; trong đó đã đề ra các nhiệm vụ thực hiện và thời hạn thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, từ khi được ban hành đến nay, công tác thực thi triển khai nhiệm vụ này còn rất chậm. Trên thực tế còn có những vướng mắc, lúng túng, phiền hà, chậm hướng dẫn trong thực thi các chính sách như giảm thuế VAT, việc hỗ trợ lãi suất hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và tiền thuê đất... “Tính thời điểm của Nghị quyết số 43/2022/QH15 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu chậm trễ trong triển khai thì chúng ta sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng để các chính sách tài khóa, tiền tệ phát huy hiệu quả cao nhất trong thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.      

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, đến cuối tháng 8-2022, vẫn còn 2 trên tổng số 17 văn bản để cụ thể hóa chính sách theo yêu cầu của Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ chưa được ban hành. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn còn một số điều kiện bất cập dẫn tới doanh nghiệp khó tiếp cận và thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn phức tạp, các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, làm giảm hiệu quả của chính sách. Gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng này chỉ được giải ngân trong hai năm 2022-2023 nhưng tính đến ngày 28-9, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH còn khá thấp, mới thực hiện được hơn 20% tổng số vốn của chương trình. Trong bối cảnh nguồn lực của đất nước còn hạn chế, muốn có vốn cho một chương trình, dự án phải huy động từ nhiều nguồn và hy sinh cơ hội của những dự án khác. Chính vì vậy, việc nguồn vốn lớn trong Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chưa đi vào thực tế gây lãng phí kép, không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế mà gây lãng phí, thất thoát nguồn lực, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của chương trình.

Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội là quyết tâm rất lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để sớm đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới, nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững. Vì vậy, để những quyết sách đúng đắn này nhanh chóng đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp và người dân sớm được hưởng thụ, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị. Trước hết, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, bảo đảm các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải được triển khai hiệu quả. Trong đó, chúng ta đặc biệt nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm thực thi, giải trình của cán bộ thi hành công vụ. Cùng với đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi để tránh chồng chéo nhiệm vụ, tránh gia tăng sự phiền hà cho đối tượng hưởng thụ.

VŨ DUNG

Tags: kinh tế