TP Hồ Chí Minh: Triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương
Sáng 2-11, tại TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2023.
Các đại biểu dự hội nghị |
Theo đó, Thành phố sẽ thực hiện khảo sát chỉ số về “Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số” (đây là điểm mới so với năm 2022 khi gộp chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” và chỉ “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số” nhằm đáp ứng xu hướng ứng dụng chuyển đổi số để tăng cường tiếp cận thông tin); tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban ngành và chính quyền địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (với khối địa phương).
Riêng chỉ số “Vai trò người đứng đầu sở, ngành, chính quyền địa phương” được đưa vào thành chỉ tiêu đánh giá trong chỉ số thành phần “Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị”. Đặc biệt, khảo sát năm 2023 bổ sung 2 chỉ số mới: “Chỉ số xanh” (tham chiếu PCI 2022 và định hướng thúc đẩy kinh tế xanh của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh) và “Chỉ số sức khỏe và môi trường” (tham chiếu thông lệ quốc tế và định hướng xây dựng TP Hồ Chí Minh thành Trung tâm Tài chính quốc tế).
Việc đánh giá DDCI nhằm giúp các đơn vị và địa phương thấy được những điểm mạnh điểm yếu, từ đó có các biện pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực. Đồng thời, đánh giá được trách nhiệm xã hội và năng lực quản trị của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; từ đó hướng tới đo lường và cải thiện thường niên năng lực quản trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tạo kênh thông tin minh bạch, tin cậy và rộng rãi để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban ngành Thành phố. DDCI cũng giúp Thành phố có chiến lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị công, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Dự kiến khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sẽ tham gia thực hiện các khảo sát đánh giá năng lực điều hành kinh tế của sở, ban ngành và các địa phương. Trong đó, 8.000 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương và 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ngành. Số phiếu khảo sát dự kiến khoảng 21.000 phiếu. Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị: Các sở, ban ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quán triệt nội dung, ý nghĩa và thực hiện nghiêm túc kế hoạch đã đề ra, phối hợp tích cực với ITPC trong quá trình triển khai đánh giá DDCI năm 2023. Các cơ quan, đơn vị tiến hành tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả phải đảm bảo toàn bộ quá trình được công khai, minh bạch, khách quan; kết quả phải được phổ biến rộng rãi đến toàn thể xã hội...
Tin, ảnh: MINH NGÂN