• :
  • :

Hà Nội cần có Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có một nội dung khiến những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa của Hà Nội cũng như cả nước trăn trở lâu nay là thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô.

Cần thiết có nguồn quỹ

Ngay từ năm 2022, theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển.

Di tích lịch sử Đền Đồng Cổ được trùng tu lại nhiều hạng mục

Di tích lịch sử đền Đồng Cổ được trùng tu lại nhiều hạng mục

Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP.

Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô là một trong những điều kiện “lý tưởng” để Hà Nội bứt phá trong ngành công nghiệp này.

Theo đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải, việc tạo nguồn kinh phí cho quỹ là rất quan trọng. Nếu đi đúng hướng và có được sự điều hành hiệu quả, quỹ có thể tạo lực đẩy rất lớn cho phát triển văn hóa ở Thủ đô Hà Nội - trung tâm của cả nước.

Sự hiện diện của Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô có thể mở ra một hướng mới cho bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa với điều kiện quỹ được điều hành một cách hiệu quả, thông minh.

Nhìn từ tiền lệ

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, việc thành lập quỹ không phải chưa từng có tiền lệ.

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được Quốc hội cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực cho hoạt động trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh (trong Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên - Huế).

Ở nước ngoài, các quỹ văn hóa được thành lập ở nhiều quốc gia, nhiều bang, thành phố của các nước.

Chắc chắn nhiều người đều biết đến Quỹ bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã hỗ trợ chúng ta trong suốt 20 năm qua với 16 dự án bảo tồn được thực hiện và Việt Nam chỉ là một trong các quốc gia được hưởng lợi từ quỹ này.

Tại Điều 10 của Luật Di sản văn hóa quy định: “Mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa”, nhưng bảo vệ bằng các nào thì chưa có hướng dẫn cụ thể.

Bà Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, việc giới thiệu cho các em học sinh về mục đích thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa Thủ đô và giáo dục ý thức tiết kiệm tiền để đóng góp vào quỹ là biện pháp cụ thể và đơn giản nhất.

Ý nghĩa của Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư, trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công cuộc bảo tồn di sản văn hóa ở Hà Nội hiện nay.

Hơn 6.000 di tích lịch sử, văn hóa phân bố đậm đặc trên địa bàn TP, hằng năm cần nguồn lực đầu tư rất lớn để trùng tu, tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tiễn.

Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô ra đời sẽ giúp huy động được các nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng tham gia vào quá trình trên.

Quỹ cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong những trường hợp đặc biệt, khi cần có phương án “cứu” di sản thoát khỏi trình trạng khẩn cấp…

Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô được thành lập cũng có tác động đẩy nhanh quá trình xây dựng thương hiệu TP sáng tạo của Hà Nội.

Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (năm 2019), Hà Nội đã đạt được thành công bước đầu trong việc hình thành, phát triển các không gian sáng tạo, tiêu biểu như không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội...

Để Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô hoạt động có hiệu quả thì cần có sự hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý về nguyên tắc hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, tiếp nhận hỗ trợ và thanh quyết toán các khoản hỗ trợ cho quỹ từ các nguồn vốn khác nhau (vốn ngân sách, tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn thu hợp pháp khác...).

Đây là cơ sở để khi ra đời, đi vào hoạt động, quỹ sẽ tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ và triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa, phát huy truyền thống và khả năng sáng tạo của Thủ đô trong xu thế hội nhập và phát triển.

Lượt xem: 8
Tác giả: Hoa Thành
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...