• :
  • :

Đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hà Lan bước vào giai đoạn phát triển mới

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1 đến 2-11.

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của Thủ tướng Mark Rutte kể từ khi tại nhiệm, diễn ra chỉ 9 tháng sau chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thể hiện sự coi trọng của Hà Lan đối với vị thế và quan hệ với Việt Nam. Chuyến thăm là hoạt động đối ngoại cấp cao nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan (1973-2023).

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9-4-1973, quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển rất tốt đẹp, cởi mở, thẳng thắn và được coi là mẫu mực của quan hệ giữa Việt Nam và một quốc gia châu Âu. Ngày nay, Việt Nam và Hà Lan đã trở thành những đối tác quan trọng và ưu tiên của nhau tại khu vực. Hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước năm 2010, đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực năm 2014.

 Ảnh minh họa: nhandan.vn

Việc nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác toàn diện vào năm 2019 thể hiện quyết tâm của Chính phủ hai nước đẩy mạnh hợp tác toàn diện, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, hướng đến phát triển bền vững và cùng chung tay ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

Trải qua 50 năm xây dựng và vun đắp, quan hệ Việt Nam-Hà Lan tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư, thương mại, nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai nước duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, có nhiều cơ chế hợp tác song phương; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc, khuôn khổ quan hệ ASEAN-EU, ASEAN-Hà Lan, Việt Nam-EU...

Với thế mạnh đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thứ năm trong EU về quy mô GDP, Hà Lan là một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất trên thế giới, đi đầu trong chuyển đổi số và phát triển bền vững. Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại EU. Trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt 11,09 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021. Hà Lan cũng là nhà đầu tư lớn nhất của EU tại Việt Nam với khoảng 400 dự án đầu tư, tổng vốn đạt 13,5 tỷ USD.

Thời gian qua, Hà Lan tiếp tục viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong nhiều chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nước, nông nghiệp bền vững... Hai bên cũng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo, giao thông vận tải, kinh tế tuần hoàn. Hợp tác giữa các địa phương của hai nước ghi nhận nhiều hoạt động sôi nổi, chủ yếu trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, xử lý chất thải, thành phố thông minh.

Trong khuôn khổ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, hai bên thiết lập Ủy ban liên Chính phủ điều phối hoạt động. Nhiều dự án trong lĩnh vực và khuôn khổ Ủy ban được triển khai hiệu quả, đặc biệt là kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tập trung giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đưa Đồng bằng sông Cửu Long trở thành khu vực kinh tế phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, hai bên đã tích cực triển khai hợp tác trong trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp Việt Nam và đang từng bước giúp Việt Nam xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong lĩnh vực rau-hoa quả, làm vườn, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Nhìn lại những thành quả đạt được trong chặng đường 50 năm qua, chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng hơn, góp phần đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hà Lan bước vào giai đoạn phát triển mới đầy hứa hẹn.

QĐND

Tags: Hà Lan