Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28-8-1945 / 28-8-2023), toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) đã đón nhận một luồng sinh khí mới, động lực cho sự phát triển toàn diện, với nhiều điểm nhấn và bước ngoặt để dần hiện thực hóa quan điểm xuyên suốt của Đảng: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".
Có thể nói, chưa bao giờ văn hóa được quan tâm và có được nhiều thành tựu như hiện nay. Toàn ngành đã nhận được sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một tấm gương mẫu mực về thực hành văn hóa, một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Một nhân cách lớn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên bên kia bờ sông Đuống-thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội (xưa kia thuộc vùng đất Từ Sơn, Bắc Ninh), vùng đất “địa linh nhân kiệt”, yêu nước, giàu truyền thống cách mạng với những làn điệu dân ca quan họ nồng nàn, thắm đẫm tình đất, tình người qua lời ru của mẹ, sự dạy bảo ân cần của cha, như những dòng nước mát tinh khiết nuôi dưỡng, hun đúc tâm hồn và nhân cách văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay từ thời ấu thơ.
Có thể nói, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình từ khi còn là sinh viên của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến sau này trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Tổng Bí thư đã có nhiều bài viết, bài phát biểu có tính khái quát cao, tổng kết lý luận và thực tiễn, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hầu hết các bài phát biểu tại các hội nghị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư đều dành dung lượng và thời gian để trao đổi, luận giải về văn hóa và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh đan xen nhiều mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa hội nhập với phát huy và bảo tồn những giá trị cốt lõi, nhân văn cao đẹp của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các văn nghệ sĩ và đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Ảnh: TRẦN HUẤN |
Là một trong những nhà lãnh đạo suốt đời phấn đấu, học tập và cống hiến cho Đảng, cho đất nước và nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thấm nhuần sâu sắc nhiệm vụ và sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ đã xác định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Tổng Bí thư là một nhà lãnh đạo đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam những năm đầu tiên của thế kỷ 21 trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Với tầm cao trí tuệ, tâm hồn yêu văn học, nghệ thuật đã tạo nên một phong cách rất riêng biệt, đậm chất sĩ phu Bắc Hà gắn với phong cách văn hóa Tràng An, văn hóa Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng. Tổng Bí thư luôn là người gương mẫu đi đầu và vận dụng sáng tạo giữa lý luận về xây dựng văn hóa theo nghĩa rộng và thực hành văn hóa theo nghĩa hẹp một cách rất tự nhiên, với trái tim nhân hậu, giản dị, thanh cao, luôn phấn đấu vì sự phát triển trường tồn của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Tổng Bí thư từng căn dặn: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú của tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa nước nhà
Phát biểu mà Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...” là một kim chỉ nam quan trọng, định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Quan điểm ấy cũng đã tiếp thêm động lực để đội ngũ cán bộ làm văn hóa nước nhà luôn nỗ lực, không ngừng tiến lên phía trước, với quyết tâm và khát vọng chấn hưng, xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cả một đời vì nước, vì dân, Tổng Bí thư luôn trăn trở trước sự phát triển của nền văn hóa dân tộc, trước vô vàn thách thức của bối cảnh hội nhập quốc tế toàn cầu. Thấm thía điều căn cốt “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, chúng ta thấy được rằng, khi “đánh mất” những giá trị văn hóa truyền thống, đánh mất bản sắc của mình, thì chúng ta sẽ trở thành một “bản sao mờ” của văn hóa dân tộc khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến quan trọng trong quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam, đặc biệt là từ sau khi Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Là người trực tiếp tham gia soạn thảo và chỉ đạo soạn thảo các văn kiện của Đảng, từ Đại hội lần thứ VI đến Văn kiện Đại hội lần thứ XIII và chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng lần thứ XIV, Tổng Bí thư đã cùng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương, các cơ quan nghiên cứu lý luận của Đảng kế thừa và tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới: “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Các bài viết của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị công tác tư tưởng-văn hóa toàn quốc, Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc... đều thể hiện tư tưởng nhất quán của người đứng đầu Đảng ta đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Các bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư qua nhiều cương vị, nhiều thời kỳ đều cho thấy tầm nhìn, tư duy sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa. Sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa được ban hành năm 1998, cho đến phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh: “Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bao gồm trong lòng nó các mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại; kế thừa và phát triển; dân tộc và quốc tế; trên cơ sở Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu khẩn trương xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Việc xây dựng các hệ giá trị chính là cách để chúng ta củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, góp phần quan trọng để xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển bền vững đất nước.
Người truyền cảm hứng, tiếp động lực và khát vọng chấn hưng nền văn hóa
Những quan điểm kết tinh từ tầm vóc trí tuệ của Tổng Bí thư và của Đảng ta trong giai đoạn vừa qua đã từng bước thật sự đưa văn hóa trở thành “sức mạnh mềm”, là nền tảng để phát triển đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Qua đó đã thôi thúc mãnh liệt toàn ngành VHTTDL không quản ngại khó khăn, thách thức để gánh vác và làm tròn sứ mệnh xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên năm 1946, vào tháng 11-2021, ngành Văn hóa nước nhà phấn chấn và đặt nhiều kỳ vọng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo và chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Trong phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”.
Trong những phát biểu tâm huyết về văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư đã chỉ đạo toàn ngành văn hóa tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp chủ yếu để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Đánh giá cao vai trò, trách nhiệm và những đóng góp nổi bật của các địa phương, cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Tổng Bí thư cũng luôn chỉ đạo phải kịp thời phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Những ghi nhận, phát biểu và chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa, đối với văn hóa trong những năm qua đã trở thành những định hướng quan trọng trong sự phát triển của toàn ngành. Tháng 8-2023, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành văn hóa (28-8-1945 / 28-8-2023), Tổng Bí thư đã gửi thư cho ngành với tình cảm đặc biệt. Bức thư không dài nhưng thể hiện trọn vẹn sự quan tâm, biểu dương, động viên, khích lệ, cổ vũ; đồng thời nhắn nhủ tới những người làm văn hóa, thực hành văn hóa phải sống thật đẹp, không được thỏa mãn, bằng lòng với thành quả bước đầu, nhưng cũng không nhụt chí, nao lòng trước những khó khăn, thách thức.
Có thể nói, những lời động viên, gửi gắm, kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Thư chúc mừng ngành đã trở thành nguồn sức mạnh, là những lời động viên vô giá để mỗi cá nhân nỗ lực phấn đấu nhiều hơn.
Không chỉ các hội nghị về văn hóa, trong phát biểu chỉ đạo hầu hết các hội nghị, diễn đàn khác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều dành thời lượng để nói về vai trò, vị trí to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư chỉ đạo và đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... phải thấm nhuần và cụ thể hóa quan điểm của Đảng thành hệ thống thể chế đồng bộ, ăn khớp, thống nhất; tạo không gian sinh khí mới cho văn hóa phát triển; tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa, bởi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai.
Đặc biệt, trong những ngày tháng cuối cùng cuộc đời, Tổng Bí thư đã đồng ý cho xuất bản cuốn sách: "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Cuốn sách có dung lượng dày hơn 900 trang, gồm ba phần với 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện quan trọng, các hình ảnh tư liệu quý của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian qua, nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngành VHTTDL nói chung, Bộ VHTTDL nói riêng đã triển khai đồng bộ các giải pháp với phương châm: “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”. Toàn ngành đã kiên trì và đồng bộ thực hiện đổi mới tư duy từ “làm văn hóa, sang quản lý nhà nước về văn hóa”; quản lý văn hóa thông qua công cụ pháp luật và bằng pháp luật. Theo đó, một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung, gắn với đó là hệ thống chính sách đồng bộ hơn, kiến tạo cho sự phát triển nhiều hơn chứ không đơn thuần chỉ là công cụ quản lý hành chính.
Đặc biệt, các chính sách được triển khai đã bám sát hơn với hơi thở cuộc sống, phân cấp sâu cho địa phương phát triển văn hóa và thực hành văn hóa. Điểm nhấn trong tham mưu thể chế đó là Bộ VHTTDL đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035” tại Kỳ họp thứ bảy và sẽ được Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ tám, tháng 10-2024. Đầu tư nguồn lực cho văn hóa tính trên bình diện quốc gia năm sau luôn cao hơn năm trước. Môi trường văn hóa không ngừng được chăm lo, quan tâm xây dựng, xem đây là gốc của vấn đề, từ đó đã xuất hiện rất nhiều mô hình tiêu biểu trong thực hành văn hóa gắn với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, ngấm sâu vào từng bản làng, thôn xóm. Truyền thống văn hóa dân tộc được kết tinh và phát triển bền vững, thấm sâu hơn vào các tầng lớp nhân dân. Việc thực hành lối sống văn hóa gắn với thực hành đạo đức theo tư tưởng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bước trở thành thói quen như đánh răng, rửa mặt hằng ngày của nhiều người dân.
Các sự kiện văn hóa được tổ chức ngày càng quy mô, nâng tầm chất lượng; văn hóa đối ngoại được đặc biệt quan tâm, chưa bao giờ văn hóa Việt Nam lại được hiện diện sâu đậm trong các sự kiện quốc tế, đối ngoại đa phương và song phương như những năm qua. Thể thao Việt Nam tiếp tục được phát triển toàn diện. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng thể thao nước nhà đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng tại các đấu trường quốc tế, châu lục và khu vực; tiêu biểu là hai lần liên tiếp đứng thứ nhất toàn đoàn tại Đại hội thể thao Đông Nam Á. Thể thao cho mọi người tiếp tục được xem trọng, góp phần làm cho “dân cường, nước thịnh” và bệ đỡ cho phát triển thể thao thành tích cao. Du lịch tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; trong năm 2022, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, du lịch đã đạt được nhiều chỉ số quan trọng theo tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú hơn, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông hơn, thời gian lưu trú và chi tiêu ngày càng lớn hơn, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thông qua văn hóa, thông qua du lịch ngày càng được khẳng định và lan tỏa trên trường quốc tế.
Ghi nhận những thành quả đã đạt được của ngành văn hóa, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt”.
Là tấm gương mẫu mực và với những quan tâm, chỉ đạo sát sao, Tổng Bí thư đã để lại cho ngành VHTTDL và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động những tình cảm đặc biệt. Tổng Bí thư đã về với thế giới người hiền, với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và các bậc tiền nhân của dân tộc. Biến đau thương thành hành động, toàn ngành VHTTDL cùng nhau đoàn kết, trên dưới một lòng khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức, tích tụ ngày càng nhiều năng lượng mới, sinh khí mới để tạo thành những dòng nước mát tinh khiết, góp phần bồi đắp cho sức mạnh nội sinh của dân tộc ngày càng phát triển vững mạnh như lúc sinh thời Tổng Bí thư nhiều lần căn dặn và kỳ vọng.
NGUYỄN VĂN HÙNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch