Nước nghèo đòi lập quỹ bồi thường cho “cú sốc” khí hậu
Một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tình trạng biến đổi khí hậu đang nỗ lực tìm cách buộc các nước phát triển phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước này gây ra cho các nước nghèo vì biến đổi khí hậu.
Trang điện tử The Guardian (Anh) cho biết, một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tình trạng biến đổi khí hậu trên thế giới đã chuẩn bị tài liệu nhằm thúc đẩy mục tiêu trên tại Khóa họp 77 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) trong tuần này. Theo đó, các nước kém phát triển dự kiến đề xuất áp thuế toàn cầu liên quan đến khí hậu để lập quỹ bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước phát triển gây ra.
Thời gian gần đây, 46 quốc gia thuộc khối Các nước kém phát triển nhất (LDC), chủ yếu gồm các nước châu Phi và châu Á, đã và đang tích cực vận động để tìm kiếm sự ủng hộ cho mục tiêu buộc các nước phát triển bù đắp cho các nước dễ tổn thương đang chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt và nước biển dâng.
Một địa phương ở Pakistan chìm trong biển lũ do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty Images |
Những nước này nhấn mạnh rằng đất nước của họ mặc dù ít phải chịu trách nhiệm nhất trong việc phát thải khí carbon gây biến đổi khí hậu, nhưng lại chịu tác động nhiều nhất do vấn đề này. Họ cũng một lần nữa kêu gọi tất cả các bên, nhất là các nước phát thải lớn cần giảm nhanh và giảm sâu lượng khí thải carbon, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế giàu có thực hiện những cam kết trước đây về viện trợ tài chính để khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu.
Trước đó, The Guardian cũng cho biết vào tháng 11 tới sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ lần thứ 27 (COP27) tại Ai Cập. Nhóm những nước đang phát triển, trong đó có Pakistan, nhiều khả năng sẽ vận động thông qua các chương trình thúc đẩy những nước phát triển gây ô nhiễm phải bồi thường sau một năm hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt và cháy rừng tàn khốc tại nhiều khu vực.
Pakistan, quốc gia vừa gánh chịu những hậu quả nặng nề của hạn hán và lũ lụt lịch sử, được coi là trường hợp điển hình của một nước đang phát triển phải chịu tác động tiêu cực từ tình trạng biến đổi khí hậu do hành vi phát thải carbon của các nước phát triển.
Có thể thấy thời gian gần đây chủ đề về những cam kết của các nước liên quan đến việc hạn chế phát thải carbon và cam kết viện trợ tài chính cho các nước nghèo chống chịu với biến đổi khí hậu lại được đưa thảo luận gay gắt trên các diễn đàn quốc tế.
Tại một cuộc họp mới đây ở Dakar (Senegal), Bộ trưởng Môi trường Senegal, ông Abdou Karim Sall nhấn mạnh rằng các quốc gia đang phải tự mình chống chọi với những thiệt hại do biến đổi khí hậu. Do đó, điều cần thiết là phải thành lập một quỹ để khắc phục những thiệt hại và mất mát, đặc biệt là dành cho các quốc gia kém phát triển nhất.
Theo đề xuất, quỹ nói trên có thể được huy động bằng cách áp thuế carbon toàn cầu, áp thuế đối với hoạt động hàng không cũng như nhiên liệu gây ô nhiễm nghiêm trọng và thải ra nhiều khí carbon mà các tàu thủy sử dụng, tăng thuế khai thác nhiên liệu hóa thạch... Văn kiện cũng đưa ra những ưu và nhược điểm của từng vấn đề và các phương án huy động nguồn quỹ từ các nước giàu thông qua các thể chế tài chính đa phương của thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và khu vực tư nhân.
Nhưng nỗ lực lần này xem ra cũng khó thay đổi được gì trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến động địa chính trị kể từ khi cuộc xung đột quân sự xảy ra giữa Nga và Ukraine, kéo theo nhiều hệ lụy, bao gồm khủng hoảng năng lượng và lương thực.
Đó là chưa kể một số nước đối mặt với tình trạng kinh tế suy thoái sau đại dịch Covid-19... Các nước cam kết tài chính hay giảm lượng phát thải càng khó khăn hơn trong việc thực hiện lời hứa trong bối cảnh họ còn chưa thể giải quyết được các vấn đề của chính mình.
Các quốc gia giàu từng cam kết đóng góp hàng tỷ USD để giúp các quốc gia nghèo hơn hạn chế phát thải carbon và tạo dựng khả năng chống chịu trước các “cú sốc” khí hậu. Nhưng cho đến nay, các nước này vẫn bị chỉ trích là chậm trễ trong việc thực hiện những cam kết, thậm chí còn bị đánh giá là miễn cưỡng tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa về việc bồi thường cho những mất mát và thiệt hại mà các nước nghèo phải gánh chịu do biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, tại một số diễn đàn quốc tế, các cuộc thảo luận về việc này còn bị ngăn chặn.
Dù sao, những nỗ lực trên là rất cần thiết trong bối cảnh các nước kém phát triển đang phải gánh chịu những hậu quả khốc liệt hơn do khí hậu và thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra trên toàn cầu. Đây cũng giống như lời kêu gọi cộng đồng trách nhiệm đối với vấn đề biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu đang ngày càng trở nên cấp thiết.
MAI NGUYÊN