• :
  • :

Đức sắp định đoạt số phận hãng khí đốt khổng lồ

Đức có kế hoạch bơm 8 tỉ euro (8 tỉ USD) vào Uniper trong thỏa thuận lịch sử nhằm quốc hữu hóa hãng khí đốt khổng lồ, ngăn ngành năng lượng nước này sụp đổ.

Đức sắp định đoạt số phận hãng khí đốt khổng lồ

Quốc hữu hóa hãng khí đốt Đức Uniper đang được giới chức thảo luận. Ảnh: AFP

Gói cứu trợ lịch sử

Hãng khí đốt Đức Uniper xác nhận ngày 20.9 về việc đang trong các cuộc thảo luận cuối cùng với chính phủ về gói cứu trợ tăng vốn trị giá 8 tỉ euro cho công ty. Berlin cũng sẽ mua cổ phần của cổ đông chính của Uniper là Fortum Oyj của Phần Lan.

Uniper, hãng mua khí đốt Nga lớn nhất của Đức, đang ở tâm điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng khi Nga cắt dòng năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt liên quan tới xung đột Ukraina.

Chính phủ Đức chịu sức ép phải hành động bởi việc Uniper phá sản có thể ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và đe dọa nguồn cung cấp nhiên liệu.

Theo Bloomberg, thỏa thuận mới sẽ thay thế kế hoạch cứu trợ từ tháng 7 trong đó chính phủ giữ 30% cổ phần của Uniper.

Giá khí đốt tăng cao và việc Nga siết chặt nguồn cung khí đốt cho Châu Âu đã thúc đẩy loạt gói cứu trợ và các khoản vay giải cứu. Tuy nhiên, những biện pháp đó ngày càng bị nhỏ lại bởi quy mô của cuộc khủng hoảng lớn.

Với việc đường ống dẫn khí Nord Stream 1 - đường ống chính đưa khí đốt từ Nga đến Đức - bị cắt, Uniper đang phải tìm nguồn cung thay thế từ thị trường giao ngay để phục vụ khách hàng, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất và những công ty năng lượng địa phương. Giá khí đốt tăng đột biến khiến nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất ở Đức có thể lỗ tới 100 triệu euro mỗi ngày.

Chính phủ Đức cũng đang đàm phán về việc tiếp quản ít nhất 2 công ty năng lượng khác.

Logo của hãng khí đốt Đức Uniper. Ảnh: AFP

Logo của hãng khí đốt Đức Uniper. Ảnh: AFP

Về mặt chính trị, động thái này sẽ rất nhạy cảm với Thủ tướng Olaf Scholz và 2 đối tác trong liên minh của ông, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do. Với phản ứng của dư luận, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, cựu đồng lãnh đạo của Đảng Xanh, có thể phải trì hoãn hoặc từ bỏ kế hoạch áp thuế khí đốt đối với người tiêu dùng được thiết kế để giúp bù đắp chi phí trong cuộc khủng hoảng. Khoản thuế khí đốt dự kiến mang về khoảng 34 tỉ euro và phần lớn trong đó sẽ thuộc về Uniper. 

Bồi thường bắt buộc

Tại Phần Lan, chính phủ cũng chịu sức ép nặng nề từ các đảng đối lập về việc xử lý cuộc giải cứu Uniper của Đức.

Fortum xác nhận các cuộc đàm phán đang trong giai đoạn cuối và nội dung đang thảo luận bao gồm bán cổ phần Uniper của Fortum cho nhà nước Đức, trả lại khoản tài chính mà Fortum đã cấp cho Uniper cũng như nhà nước Đức dự kiến ​​rót vốn cho Uniper.

Ngày 20.9, Bộ trưởng các vấn đề ở Châu Âu và chỉ đạo quyền sở hữu Tytti Tuppurainen đã nhắc lại quan điểm của Phần Lan trước đó rằng, nước này sẽ không chấp nhận quốc hữu hóa Uniper nếu không có bồi thường.

Theo tạp chí Business Insider, việc tiếp quản Uniper dự kiến ​​tiêu tốn khoảng 30 tỉ euro.

Kể từ khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Đức, Uniper đã buộc phải tìm nguồn cung cấp LNG thay thế đắt đỏ trên thị trường giao ngay. Việc này làm tiêu hao nguồn dự trữ tiền mặt của công ty vốn đang gặp khó khăn. 

Vào tháng 7, khi giá khí đốt tăng đột biến khiến Uniper thiệt hại hàng triệu euro mỗi ngày, nhà nước Đức đồng ý mua 30% cổ phần của hãng, đồng thời cung cấp cho công ty khoản tài chính lên tới 7,7 tỉ euro. 

Trong tháng 8, nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức báo cáo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) về việc lỗ ròng hơn 12 tỉ euro trong nửa đầu năm 2022.

Uniper là một trong những công ty tham gia xây dựng Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt này không được kích hoạt sau khi xây dựng và bị đóng băng vô thời hạn trong gói trừng phạt Nga sau chiến sự Ukraina. 

Lượt xem: 39
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết