• :
  • :

Đường sắt đô thị và kỳ vọng thay đổi thói quen đi lại

Những ngày đầu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động, đông đảo người dân đến trải nghiệm, háo hức chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Liệu Thủ đô có thể tận dụng “cú hích” này để khuyến khích người dân chuyển đổi sang sử dụng phương tiện công cộng?

Đông đảo người dân đến trải nghiệm tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: PV)
Đông đảo người dân đến trải nghiệm tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: PV)

Trào lưu trải nghiệm tàu điện trên cao

Từ 8h ngày 8/8/2024, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy dài 8,5km thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại, phục vụ hành khách. Trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội. Vậy là sau 14 năm chờ đợi mòn mỏi, tính từ ngày dự án khởi công, dù chưa trọn vẹn, người dân Hà Nội đã được đặt chân lên tàu điện Metro Nhổn - ga Hà Nội.

Chính vì thế, trong những ngày vận hành đầu tiên rất đông du khách hào hứng, thích thú chờ đợi trải nghiệm tuyến tàu điện trên cao mới của Thủ đô. Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, trong ngày 10/8, tuyến Nhổn - ga Hà Nội, đoạn Nhổn - Cầu Giấy đã đón số khách kỷ lục, lên tới 66.078 lượt người đi tàu. Trước đó, ngày 8/8, tuyến đường sắt đô thị này đón khoảng 34.000 lượt. Ngày 9/8, đón hơn 52.000 lượt hành khách đi tàu.

Theo ghi nhận của phóng viên vào lúc 20h ngày 10/8 tại sân ga Cầu Giấy (S8, quận Cầu Giấy), hàng dài người xếp hàng mua vé, đợi đi trải nghiệm chuyến tàu. Có lẽ vì là ga cuối đoạn trên cao nên sân ga Cầu Giấy có lượng hành khách tập trung đông nhất, tính riêng khu vực mua vé và sảnh chờ lên tàu đã có hàng trăm người. Mặc dù cứ 10 phút lại có một chuyến tàu và chuyến nào cũng chật kín nhưng số lượng hành khách ra vào sân ga liên tục, không có dấu hiệu giảm, càng về đêm dòng người đổ về ga càng đông.

Hoàng Long (22 tuổi, trú tại quận Hà Đông) cho biết, anh đã lái xe hơn 10km để đến ga Cầu Giấy với mong muốn trải nghiệm chuyến tàu mới. Anh chia sẻ: “Tôi từng đi tuyến Cát Linh - Hà Đông rồi, nhưng thấy nhiều người háo hức trải nghiệm chuyến tàu này, nên tôi cũng muốn đi thử. Về cơ bản tôi nhận thấy không khác tuyến đường sắt trước đó, có khác ở chiếc vé được thiết kế hình tròn, có hình ảnh Khuê Văn Các thôi. Vì đây là trào lưu hiện tại nên thu hút đông đảo hành khách nhưng tôi nghĩ có nhiều người giống như tôi, đi để cho biết chứ không có ý định sử dụng thường xuyên”.

Thực tế, người dân lên tàu mấy hôm nay chủ yếu là tham quan và “đi thử cho biết”. Trong số hành khách, người già và các bạn trẻ đến chụp ảnh “check-in” chiếm tỷ lệ lớn. Một trào lưu gây “sốt” trên mạng xã hội khi liên tục xuất hiện các bài viết chia sẻ trải nghiệm đi tàu cùng với những bức ảnh “check-in” với đoàn tàu, các trạm depot hay chiếc vé “rất Hà Nội” của tuyến Nhổn - Hà Nội.

Thói quen sử dụng phương tiện công cộng đô thị

Không nên chỉ dừng ở trào lưu, giao thông đô thị đang rất cần tận dụng những “cú hích” như vậy để tạo động lực và hình thành thói quen cho người dân sử dụng phương tiện công cộng. Nhưng yếu tố then chốt phải kể tới là sự thuận tiện và chất lượng dịch vụ.

Để phục vụ vận hành các đoàn tàu, trong ngày 8/8, cả chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và đơn vị vận hành là Hanoi Metro đã huy động hơn 300 nhân lực gồm cán bộ, kỹ sư, nhân viên lái tàu, nhân viên điều phối tại 8 ga của đoạn trên cao hướng dẫn, phục vụ người dân tiếp cận ga, lên tàu.

Bà Tuyết Lan (74 tuổi, cư trú tại quận Cầu Giấy) cho biết rất hài lòng khi đi tàu điện trên cao, mọi bước từ mua vé, quẹt vé, lên tàu, điểm nào không biết đều được nhân viên hướng dẫn nhiệt tình. Ngoài ra, nhiều người dân cũng nhấn mạnh một ưu điểm khác là có tuyến buýt nối liền, giúp mạng lưới phương tiện công cộng có sự kết nối, đem lại hiệu quả thuận tiện cho người di chuyển.

Tuy nhiên, trong ngày cuối tuần nóng bức, tình trạng đông người xếp hàng tại khu vực chờ lấy vé khiến không khí trong ga trở nên rất ngột ngạt. Theo ghi nhận, nhiều du khách không kiên nhẫn dù đã xếp hàng, lấy được vé nhưng đành phải trả lại vé, bỏ về vì không chịu được sức nóng và sợ cảnh tượng chen chúc trên tàu. Đối với những người trải nghiệm đi tàu, nhiều hành khách cho biết quá trình tàu khởi hành và dừng ở các ga chưa trơn tru, bị giật cục. Nếu đứng mà không có chỗ bám trên tàu rất dễ bị ngã mỗi khi tàu khởi hành, dừng ở các ga.

Hơn nữa, các điểm vào và quãng đường di chuyển vẫn hạn chế. Nhiều người dân cho biết hiện tại họ vẫn sẽ ưu tiên phương tiện công cộng truyền thống như xe buýt hoặc phương tiện cá nhân để di chuyển. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu chất lượng dịch vụ liên tục được cải thiện để nâng cao trải nghiệm cho hành khách, cùng với đó là các điểm trung chuyển, nối tuyến thuận tiện, nhất định sẽ có đông đảo người dân lựa chọn chuyển đổi từ các phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

Một vấn đề quan trọng khác là tìm điểm đỗ xe. Được biết, dọc tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội bố trí 10 điểm gửi xe trong phạm vi bán kính 500m thuộc 8 nhà ga để phục vụ người dân đi tàu. Những nơi có điểm đỗ xe gồm: Cầu Giấy, La Thành, cầu Mai Dịch, nút giao Mai Dịch, phố Khúc Thừa Dụ, đường Nguyễn Phong Sắc, phố Trần Quý Kiên và hè phố Cầu Giấy. Tuy nhiên, theo ghi nhận ở ga Cầu Giấy, người dân vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm bãi gửi xe. Hầu hết người dân gửi xe ở các bãi trước công viên Thủ Lệ với giá vé 5.000 đồng/xe vào buổi sáng, 10.000 đồng/xe vào buổi tối.

Lượt xem: 4
Tác giả: Linh Chi